Hơn 27.000 tỷ đồng đầu tư vào các địa phương
Theo Sở Công thương TPHCM, hiện có 22 tỉnh, thành đã thực hiện ký kết hợp tác với TPHCM, gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai.
Các bên đã ký kết các nội dung như đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn; cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương; phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT), kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường; phối hợp điều phối hàng hóa và xử lý nếu có biến động thị trường; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) các bên đầu tư, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối; xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường…
Từ chương trình hợp tác, các bên cũng phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thuơng mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các địa phương; trong đó ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông và đặc sản ở từng vùng, miền…
Nhìn nhận chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho biết, một trong những kết quả nổi bật là TPHCM và các tỉnh, thành đã thống nhất thực hiện tốt CTBOTT, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa. Cụ thể, CTBOTT tại TPHCM năm 2017 có 17 DN của các tỉnh, thành tham gia (trong tổng số 89 DN), chủ yếu cung ứng các mặt hàng nông, thủy hải sản. Ngược lại, thông qua hệ thống phân phối của TP như Saigon Co.op, Satra, Fahasa… sản phẩm bình ổn của TP cũng được đưa đến tay người tiêu dùng tại các tỉnh, thành để góp phần ổn định giá cả.
Về liên kết đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu, các tỉnh thành đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN TPHCM yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Đến nay đã có 23 DN bình ổn thị trường của TP đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại chăn nuôi, trồng trọt… với tổng vốn đầu tư lên đến 27.428 tỷ đồng; trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng.
Tính chung, trong giai đoạn từ năm 2012-2017, các DN của TPHCM đã liên kết phát triển hệ thống phân phối bao gồm 13 trung tâm thương mại; 269 siêu thị tổng hợp và chuyên ngành; hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý và tổng đại lý tại các địa phương miền Đông và Tây Nam bộ. Ngoài ra, các DN bình ổn thị trường như Vinamilk, Nutifood, Cầu Tre, Vinh Tiến, Minh Tiến, Hương Mi… đều đã phát triển mạng lưới rộng khắp trên cả nước.
Riêng các DN sản xuất thực phẩm tươi sống như San Hà, Ba Huân, Vissan, Phạm Tôn đã thiết lập nhà xưởng cũng như phát triển mạng lưới cung ứng hàng hóa với sản lượng lớn ra các tỉnh phía Bắc. Cách làm này đã tạo điều kiện cho các DN gắn kết để thực hiện chương trình hợp tác ngày càng thiết thực, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hóa.
Ưu tiên thực phẩm sạch
Theo ông Phạm Thành Kiên, chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương. Chương trình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được Bộ Công thương nhân rộng ra nhiều tỉnh thành và vùng miền cả nước.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, chương trình vẫn còn gặp khó khăn dẫn đến hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Cụ thể, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Việc trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nâng cao năng lực, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh chưa được chú trọng tại một số địa phương nên chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập.
Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối vẫn còn nhiều thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương chủ yếu do các hộ gia đình hoặc DN có quy mô nhỏ sản xuất thủ công chưa đảm bảo các tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì và chứng nhận chất lượng sản phẩm nên rất khó đưa vào các hệ thống phân phối. Mặt khác, các đơn vị sản xuất cũng chưa có điều kiện tiếp cận được quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp nhận hàng hóa của các kênh phân phối tại TPHCM…
Trong định hướng chương trình hợp tác giai đoạn mới, ngành công thương TPHCM xác định sẽ triển khai các nội dung cụ thể như tiếp tục phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; nâng cao hiệu quả thực hiện CTBOTT tại mỗi địa phương, thông qua hoạt động chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh việc lưu thông hàng hóa qua hoạt động kết nối cung - cầu của từng địa phương…
Để triển khai hiệu quả các nội dung nêu trên, TPHCM đã đưa ra các giải pháp, đối với hoạt động sản xuất, TP có chính sách hỗ trợ DN, HTX phát triển sản xuất, nuôi trồng theo hướng an toàn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản. Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tích tụ sản xuất theo quy mô lớn, có định hướng, chiến lược rõ ràng, xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì để đáp ứng các điều kiện trong CTBOTT và tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn mà TPHCM đang triển khai.
Hiện nay, TPHCM đang thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, trứng gia cầm, rau củ quả và tiến hành các bước cần thiết để truy xuất thịt gia cầm, sau đó sẽ tiến tới áp dụng truy xuất đối với các sản phẩm nuôi trồng khác. Do vậy, Sở Công thương TP mong muốn các địa phương sẽ hợp tác chặt chẽ với TPHCM trong chương trình này nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng cũng như sớm khẳng định vị trí trên thị trường.