Chỉ giành được 1 HCĐ nhờ vào Vũ Thị Trang, cầu lông Việt Nam xem như không hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 28. Tuy nhiên, việc cô gái Bắc Giang bảo vệ được thành quả đạt được 2 năm trước cũng xem là một thành công, vớt vát phần nào cho sự thất bại của Tiến Minh và nhiều tay vợt trẻ khác.
Khẳng định trình độ
Giành chiến thắng trước tay vợt có đẳng cấp cấp cao hơn Fanetri Lindaweni (hạng 29 thế giới) ở trận đầu tiên là thành tích quá xuất sắc đối với Vũ Thị Trang cho dù sau đó thua tay vợt hạng 18 thế giới Busanan giành HCĐ. Thành tích này chưa qua lớn nhưng chúng ta có thể thấy được sự tiến bộ của tay vợt nữ số 1 Việt Nam có sự ổn định và vững chắc.
Việc cô lọt vào tốp 50 thế giới phản ánh đúng trình độ và khả năng của mình. Trong thời gian qua, Vũ Thị Trang bước ra đấu trường quốc tế thường chỉ thua những tay vợt đẳng cấp cao thuộc tốp 25 thế giới, chứ ít khi nào thất bại trước các tay vợt thua mình xa về thứ hạng. Thậm chí, cô từng 3 lần thắng các tay vợt từ hạng 20 đến 30 thế giới trong một năm gần đây.
Tương lai của cầu lông phụ thuộc cả vào Vũ Thị Trang. Ảnh: Quang Thắng
Rõ ràng, sự tiến bộ của Trang đã đưa cô lên một đẳng cấp mới và xứng đáng với vị trí hạng 48 thế giới. Đây là tay vợt tiềm năng có thể phát triển xa trong tương lai. Trong thời gian qua, sự tiến bộ của Vũ Thị Trang có một phần nhờ sự trợ giúp âm thầm và rất “thân tình” của Nguyễn Tiến Minh.
Vì ngoài sự nỗ lực của bản thân và sự chỉ bảo của HLV, chính Tiến Minh là người hướng dẫn thêm cho cô trong các đợt tập trung đội tuyển cũng như các chuyến thi đấu nước ngoài 2 người đi chung. Nhờ đánh cọ xát với tay vợt nam từng lọt vào tốp 10 thế giới, kỹ năng của Trang tiến bộ từng ngày. Thế nhưng, sự trợ giúp của Tiến Minh chỉ là bước đệm, nếu muốn đưa Trang phát triển một tầm cao mới, chúng ta cần phải đầu tư có chiều sâu hơn.
Sự thành công của Vũ Thị Trang càng đáng được trân trọng bởi cô không có diễm phúc được đầu tư như các tay vợt của đơn vị có kinh phí mạnh như TPHCM, Hà Nội. Vì ở Bắc Giang, nguồn kinh phí đầu tư cho cầu lông vẫn còn hạn hẹp. Hiếm khi nào chúng ta thấy Vũ Thị Trang được đi tập huấn nước ngoài, trong khi thi đấu quốc tế, chỉ có vài giải quan trọng đi bằng kinh phí nhà nước, tất cả giải còn lại cô phải tự túc hoàn toàn.
|
Thất vọng với Nguyễn Tiến Minh
Dẫu biết rằng Tiến Minh đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ nhưng việc thua tay vợt hạng 117 thế giới mới 18 tuổi Loh Kean Yew (Singapore) hạ gục là điều khó chấp nhận. Bởi SEA Games lần này, tuy không được đánh giá cao nhưng khả năng có huy chương của Tiến Minh là rất lớn, thậm chí cửa tranh vàng vẫn rộng.
Đầu tiên, kết quả bốc thăm rất thuận lợi vì gặp Loh Kean Yew ở vòng đầu. Nếu thắng thì khả năng có huy chương là rất lớn vì trận đấu tứ kết tiếp theo chỉ gặp tay vợt Myanmar hay Campuchia không phải là đối thủ xứng tầm. Cái thuận lợi tiếp theo là 2 quốc gia có phong trào cầu lông mạnh Malaysia, Indonesia không đưa ra các tay vợt chủ lực, nhất là Lee Chong Wei, cựu số 1 thế giới có mặt tay tại SEA Games nhưng không đăng ký đánh đơn.
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh tiếp tục thất bại ở đấu trường SEA Games.
Do đó, 2 tay vợt được đánh giá cao nhất và về sau đoạt HCV, HCB Chong Wei Feng (Malaysia), Tanongsak (Thái Lan) chỉ cũng đánh ngang ngửa với Tiến Minh. Nhất là khi tay vợt số 1 Việt Nam vừa thắng Tanongsak cách đó vài ngày ở nội dung đồng đội. Tiếc thay, Tiến Minh lại thua ngay trận đầu và gây ngỡ ngàng cho nhiều người.
Ngoài ra, tất cả các tay vợt Việt Nam có mặt ở 7 trận đấu khác đều bị thua ngay trận đầu giống như Tiến Minh cũng để chúng ta nhìn lại thực trạng của cầu lông Việt Nam mà tìm hướng phát triển trong tương lai. Được đầu tư cho qua Indonesia tập huấn 3 năm vừa qua, tay vợt trẻ Phạm Cao Cường chưa cho thấy điểm sáng có thể thay thế Tiến Minh trong tương lai.
Bên cạnh đó, những tay vợt trẻ đang được kỳ vọng như Thùy Linh, Như Thảo, Mạnh Thắng, Hà Anh… vẫn chưa cho thấy đủ sức thi đấu quốc tế. Xem ra, chỉ có Vũ Thị Trang tiềm năng nhất trong việc giành thành tích cho thời “hậu Tiến Minh”.
|
Gia Mẫn