Cầu Kỳ Lừa chìm trong nước lũ sông Kỳ Cùng

Cầu Kỳ Lừa bắc ngang qua sông Kỳ Cùng ở trung tâm TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang có nguy cơ bị lũ cuốn vì mưa rất lớn từ bão số 4

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (Bebinca), mưa triền miên từ đêm 16 đến chiều 17-8 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và nhiều nơi ở Đông Bắc bộ, làm cho nước lũ trên sông Kỳ Cùng chảy qua TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang dâng cao.

Từ khắp sông suối ở các huyện như Tràng Định, Đình Lập, Lộc Bình... nước lũ đổ về sông Kỳ Cùng, đang có dấu hiệu ngày càng cao hơn.

Cầu Kỳ Lừa chìm trong nước lũ sông Kỳ Cùng ảnh 1 Sông Kỳ Cùng đã mấp mé TP Lạng Sơn chiều nay 17-8-2018

Đến chiều 17-8, nước lũ trên sông Kỳ Cùng đỏ ngầu, nhấn chìm một phần công trình cầu Kỳ Lừa đang xây dựng lại ở giữa TP Lạng Sơn.

Người dân địa phương rất lo lắng vì nước sông dâng cao có thể làm ngập các khu dân cư dọc 2 bên sông và chợ Giếng Vuông.

Cầu Kỳ Lừa đang thi công dở dang thì chìm trong lũ

Cầu Kỳ Lừa là công trình nối 2 bờ sông Kỳ Cùng ở giữa TP Lạng Sơn. Do cầu cũ và xuống cấp nên chính quyền địa phương có dự án thi công lại, tuy nhiên mới đang dở dang thì phải tạm hoãn do bão số 4 ập tới.

Hiện tại, một số hạng mục xây dựng đã chìm trong nước lũ và có nguy cơ bị lũ cuốn trôi.

Cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 17 giờ chiều nay 17-8 cho thấy, lũ trên sông Kỳ Cùng và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An đang lên, riêng sông Hiếu và thượng nguồn sông Cả đang lên nhanh.

Nhiều hạng mục đang thi công dở đã chìm trong lũ

Trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn, mực nước lũ là 253,18 m, trên BĐ1 1,18m. Dự báo lũ trên sông Kỳ Cùng và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục lên.

Đến đêm nay, mực nước trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn sẽ lên mức 255m, ở mức  BĐ2, sau xuống.

Từ chiều tối nay đến ngày 18-8, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu sông Bùi ở mức BĐ1.

Hiện nước sông Kỳ Cùng vẫn đang tiếp tục lên cao

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi các tỉnh như Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An.

Đặc biệt là các huyện: Đà Bắc, Mai Châu (Hòa Bình); Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La); Lang Chánh, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Bá Thước (Thanh Hóa); Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương (Nghệ An).


Tại cuộc họp giao ban để báo cáo tình hình và chỉ đạo các biện pháp ứng phó mưa lũ sau bão tổ chức ngày 17-8 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, bão số 4 không gây thiệt hại. Tuy nhiên, tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to.

Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa lũ, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 16-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ, huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả, nhất là các sự cố hư hoại về đê điều; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao thông qua các ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp với từng điều kiện bị ảnh hưởng.

Qua bão số 4, Ban chỉ đạo Trung ương cho rằng có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như công tác chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, cố định biển quảng cáo khi có mưa bão còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Về chỉ đạo và điều hành, còn thiếu trang thiết bị để tổ chức họp giao ban trực tuyến thường xuyên giữa trung ương và các địa phương; thiếu các trạm đo mưa tự động. Qua diễn biến của cơn bão, công tác dự báo về cơn bão cần được tăng cường để đảm bảo sát thực hơn.

Trong ngày 17-8, có nhiều dư luận cho rằng việc dự báo bão số 4 không sát tình hình, “vống” hơn so với thực tế, gây lãng phí, có thể khiến người dân chủ quan với các trận bão thực sự lớn sắp tới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình hình mưa lũ sau bão số 4 có thể lặp lại các hậu quả và hiện tượng như từng xảy ra khi bão số 3 (Sơn Tinh) đổ bộ, vì vậy người dân không được chủ quan.

Nghệ An: Mưa lũ hoành hành, 5 người chết và mất tích

Chiều 17-8, ông Phan Sỹ Thắng - Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết, mưa lũ đã khiến 5 người trên địa bàn huyện chết và mất tích.

Theo ông Vừ Nổ Dềnh, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) cho biết, lực lượng cứu nạn đang tìm kiếm cháu Và A Kia (10 tuổi, trú bản Đổng Trên, xã Tây Sơn) bị mất tích từ sáng ngày 17-8 khi Kia và mẹ vào rẫy lấy ngô về chăn nuôi gia súc, trên đường về thì bất ngờ bị đất đá sạt xuống vùi lấp hai mẹ con. Người mẹ chỉ bị thương, sau đó tỉnh lại chạy về bản kêu cứu. Trong khi đó, ông Lương Thịnh Vượng, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu (cùng huyện Kỳ Sơn) cho biết, khoảng 11 giờ sáng 17-8, có 5 người dân ở bản Lưu Thắng đang đi qua cầu tràn bắc qua khe suối để về bản thì bất ngờ nước lũ ập về cuốn trôi. 3 người may mắn sống sót, 2 người bị nước lũ cuốn gồm chị Moong Mẹ Tân và cháu Cụt Văn Thôn (12 tuổi) .   

Cầu Kỳ Lừa chìm trong nước lũ sông Kỳ Cùng ảnh 5 Người dân và chính quyền huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, khẩn trương khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 4. Ảnh : TTXVN

Mưa lớn cũng đã khiến nhiều huyện miền núi ở Nghệ An như Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… bị ngập lụt, một số tuyến quốc lộ, trong đó có tuyến quốc lộ 7, đến chiều 17-8 vẫn đang bị chia cắt.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục