Rằng, lúc hoai hoải nắng chiều, đứa trẻ háu ăn cảm thấy đói, muốn ăn một cái gì đó. Nó bèn nhè nheo mẹ, níu áo mẹ. Bà mẹ ra ngoài vườn, ngắt vài cọng rau sẵn có đem vào rửa sạch; rồi luộc mì lên, cho rau vào. Chẳng lẽ chỉ có thế? À, bữa ăn trưa vẫn còn thừa một ít cá, tôm, thịt gì đó đang đặt trong cụi. Bà mẹ lấy ra, hâm nóng, lấy mỗi thứ một ít bỏ vào tô mì. Nói cách khác “nhưn” của tô mì Quảng là tùy thuộc vào thực phẩm có sẵn trong bếp, có thể bữa nay thế này nhưng lần sau lại khác. Không cố định.
Chỉ sợi mì là cố định. Không thay đổi. Sợi mì làm từ bột gạo, sắn cũng chẳng ai bắt bẽ gì. Chỉ dầu phộng là cố định. Không thay đổi. Một loại dầu không thể thiếu trong tô mì Quảng, sau khi đã được khử bằng củ nén. Trong tô mì Quảng có gì cũng được, có thể thịt, cá, tôm… rồi rau xanh, bánh tráng bẻ vụn chỉ xăm xắp nước tùy thích nhưng không thể thiếu một ít dầu phộng đã thoa lên sợi mì. Một mùi thơm dân dã quê kiểng dậy lên trong mũi. Gợi sự thèm thuồng của mùi vị thơm dịu, không gắt… Với sự “ra đời” này, tự nó đã lý giải vì sao tô mì Quảng thường ít nước lèo nhưng lại nhiều rau và “nhưn” thay đổi, không cố định là vậy.
Nó vừa nuốt nước bọt cái ực, mắt nhìn hau háu: “Cho con ăn đi mẹ”. Bà mẹ đưa ngay chăng? Không, bà đùa: “Con có thương mẹ không?”. Tưởng gì, “Dạ, con thương”. Lại hỏi: “Trong nhà con thương ai nhất?”. Thằng bé láu táu thật lòng: “Con thương mẹ nhất”. “Ừ, thì hun mẹ một cái”. Nói xong, bà mẹ âu yếm: “Nề, ăn đi con”.
Mẹ ơi, những từ ấy, âm vang của nó vẫn còn vang vọng đến cả một đời. Giọng nói trìu mến, thân thương của mẹ như tan vào lòng. Chẳng bao giờ mất đi.
Sống chung với mẹ nhiều năm, y nhận ra rằng, dù ở bất kỳ nơi nào, trong ẩm thực của người đàn bà Quảng Nam không bao giờ bỏ được thói quen uống chè tươi. Mỗi sáng, mẹ y nấu một nồi rồi để dành uống dần trong ngày. Từ ngày này qua tháng nọ, chỉ uống nước chè xanh. Ở Quảng Nam, chè xanh Tiên Phước nổi tiếng ngon. Thường lúc uống, người ta cầm một cái bát to đặt cẩn thận trên bàn, đợi nước réo trong nồi thì rót vào ngay. Bọt trào ra khỏi miệng bát. Chờ hơi nguội, khói còn nghi ngút, hớp lấy bọt, hớp từng ngụm, lúc vừa nguội là ngửa cổ nốc cái ực rồi khà ra một tiếng nghe sảng khoái lạ lùng, cứ như thể đã uống cả non xanh nước biếc vào cuống họng. Mồ hôi mồ kê đầm đìa, gió thổi tới, mát rười rượi, còn gì khoái trá hơn? Ấy là lúc người ta còn trẻ, chứ mẹ y đã già rồi, bà cụ để nguội, thật nguội rồi mới uống.
Trong nhà, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu cái bánh tráng nướng. Thật ra không riêng gì Quảng Nam, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... cũng đều ưa thích cái bánh tráng. Dù răng không còn, nhưng thỉnh thoảng mẹ y lại nướng cái bánh tráng trên bếp gas. Nhai cho đỡ nhớ. Thương nhất là lúc bà cụ đeo hàm răng giả và nhai rôm rốp. Hỡi ôi! Âm thanh ấy, bao giờ y mới được nghe lại?
Trong nhà, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu nước mắm Nam Ô. Ngày mẹ còn sống, thỉnh thoảng ngoài quê, Tẹo - em trai út lại chuyển vào Sài Gòn. Nước mắm nhỉ thứ thiệt thường sánh, màu trong, lúc ăn không cần pha chế, chỉ cần dằm trái ớt xanh, vắt thêm vài giọt chanh là ngon tuyệt. Chạm vào lưỡi đã thấy vị mặn đậm. Mùi thơm khiến trong lòng nghe cả nhịp sóng vỗ và cá quẫy đuôi lấp lóe dưới nắng mặt trời…
Còn nhớ, ngày thơ bé, dịp nghỉ hè, ba mẹ thường cho vào chơi Quảng Ngãi, ở lại nhà cậu Bảo trong khu nhà máy đèn. Lại biết thêm một món ăn mà mẹ đã nấu thì không chê vào đâu được.
Rằng, Quảng Ngãi có câu: Chim mía Xuân Phổ, cá bống sông Trà, kẹo gương Thu Xà, mạch nha Mộ Đức. Chỉ vậy thôi à? Không đâu. Còn nữa chứ. Với y, trứ danh nhất vẫn là: Gái lòng son không bằng tô don Vạn Tượng. Vạn Tượng, xưa thuộc xã Tư Bình, nay xã Nghĩa Dũng chăng? Còn don là gì mà nghe ngồ ngộ vậy?
Ảnh: NHƯ KHUÊ
Trên dòng sông Trà Khúc cứ vào khoảng tháng giêng đến cuối tháng sáu, có nhiều chiếc ghe nhỏ cắm sào, người ta rủ nhau đi nhủi don. Họ cởi trần, vác dụng cụ nhảy xuống nước sông mát lạnh. Trên vai họ là cán nhủi, lưng cúi xuống, vừa nhủi don, thỉnh thoảng họ vừa cất lên tiếng hò đối đáp. Khi ốc don đầy nhủi, họ lại giơ nhủi lên cao, xốc cho cát rớt hết xuống, rồi trút vào chiếc thúng đang cột bên ghe. Trong bóng chiều nhập nhoạng, có thể, cô thôn nữ cất lên tiếng hò lao xao sóng nước:
- Hò ơ! Chó đánh trên đầu sao kêu dưới cẳng
Ngựa cột đằng trước sao hí sau hè?
Trai mà đối đặng ngựa xe em rước liền...
Ngựa cột đằng trước sao hí sau hè?
Trai mà đối đặng ngựa xe em rước liền...
Tiếng hò vừa dứt, trong đám đàn ông con trai có người lanh lợi cất giọng:
- Hò ơ! Con gà không rang sao em kêu gà nổ
Con chó không nướng sao em gọi chó vàng?
Trai mà đối đặng thì nàng tính sao?
Con chó không nướng sao em gọi chó vàng?
Trai mà đối đặng thì nàng tính sao?
Những tiếng cười giòn giã vọng lên. Một cô thôn nữ khác đưa khăn quàng vai lau giọt mồ hôi trên trán, rồi bình tĩnh cất tiếng hò ngọt ngào nhưng không kém phần đanh đá:
- Hò ơ! Con cá đối nằm trên cối đá
Con cò lửa đứng trước cửa lò
Trai mà đối đặng dứt hò theo anh!
Con cò lửa đứng trước cửa lò
Trai mà đối đặng dứt hò theo anh!
Chà, câu hò này chơi chữ dữ nghe! Nói lái kiểu này thì ai trả lời nổi? Nhưng phía bên nữ chưa kịp tắt tiếng cười thì đã có tiếng hò vọng lên:
- Hò ơ! Bốn đứa khiêng bứa đốn
Đôi trò dắt đò trôi
Trai này đối đặng kết đôi với nàng!
Đôi trò dắt đò trôi
Trai này đối đặng kết đôi với nàng!
Y đã từng nghe những câu hò này trên dòng sông Trà Khúc? Không. Mẹ y kể lại đó. Bà cụ có trí nhớ kỳ diệu. Những ngày mẹ ở chung nhà tại Sài Gòn, thỉnh thoảng bà lại kể những câu chuyện thời xửa thời xưa, nhớ từng câu hò, câu ca dao, đọc lên không vấp váp.
Qua những câu chuyện ấy, khi vào Quảng Ngãi, còn nhớ đã có lần mẹ cùng Mợ Lý đã “song kiếm hợp bích” một cách tuyệt vời. Hai người mẹ, một Quảng Nam, một Huế cùng làm món don đặc sản của Quảng Ngãi cho ăn, làm sao có thể quên? Hỡi trời cao đất dày, nay tìm lại ngày tháng yêu thương ấy, tìm ở đâu? Mẹ đã mất. Mợ Lý đã mất. Ngày ấy, khi nâng tô don trên tay, y vẫn có cảm tưởng như những câu hò tình tứ ấy vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong hương vị độc đáo của don.