Nhớ lại hơn 20 năm trước, từ miền Nam, lần đầu tiên tôi được đến tỉnh Điện Biên, dâng hương các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Tại vùng đất lịch sử này, ngày 7-5-1954, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, lập lại hòa bình trên miền Bắc. Để có chiến thắng ấy, đã có biết bao người hy sinh, trong đó có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174.
Trung đoàn 174 thành lập ngày 19-8-1949 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị bộ đội địa phương của ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn (Đoàn Cao - Bắc - Lạng). Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn tổ chức huấn luyện và chiến đấu, giành thắng lợi giòn giã trên đường số 4. Trong Chiến dịch Biên giới (1950), Trung đoàn được giao nhiệm vụ tiến công, giải phóng cứ điểm Đông Khê. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174 tiến công tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng, thực hiện đánh quả bộc phá ngàn cân ở Đồi A1, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên hôm ấy, tôi lần theo từng hàng mộ chí. Bên cạnh phần mộ các liệt sĩ anh hùng như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… có nhiều phần mộ chưa xác định được danh tính, chỉ ghi thuộc Trung đoàn 174. Mắt tôi nhòe đi trong cái nắng như thiêu như đốt. Tôi tự nói với chính mình: Thế là thân thể các liệt sĩ đã tan biến vào cỏ cây, đất nước.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào, tháng 3-1967, với phiên hiệu Đoàn A1, hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 rời đội hình Sư đoàn 316 vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Đến mặt trận Tây Nguyên giữa lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, Trung đoàn 174 được bổ sung vào Sư đoàn 1 tham gia giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum). Chiến đấu trực tiếp với Lữ đoàn dù mang phiên hiệu 173 khét tiếng của quân đội Mỹ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã ngã xuống trên đất Đắc Tô.
Mùa hè năm 2020, chúng tôi trở lại chiến trường xưa tìm kiếm thông tin và xây dựng Bia ghi danh liệt sĩ Trung đoàn 174 tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắc Tô (Kon Tum). Năm tháng qua đi, hài cốt của hơn 200 liệt sĩ đã tan vào đất đai của Tổ quốc. Tìm mãi, chúng tôi chỉ sưu tầm được danh tính hơn 50 liệt sĩ để khắc trên bia đá đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Đắc Tô.
Năm 1968, rời Tây Nguyên, Trung đoàn 174 hành quân vào Đông Nam bộ bổ sung cho Sư đoàn 5. Chiến dịch Nguyễn Huệ mùa hè 1972, Trung đoàn được giao mũi chủ công giải phóng Lộc Ninh, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 6-1972, Trung đoàn được lệnh cấp tốc hành quân về đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng Chi khu Long Khốt và các đồn bót ngụy quân dọc biên giới Tây Nam. Từ năm 1972 đến tháng 4-1975, chúng tôi đã cùng đồng đội “quần nhau với giặc” dọc vùng biên giới Tây Nam. Thêm gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và đơn vị bạn đã nằm lại nơi đây.
Tháng 4-2008, chúng tôi vận động đồng đội và nhân dân xây dựng ngôi đền thờ liệt sĩ đầu tiên ở Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An). Đêm thả hoa đăng trên dòng sông biên giới nơi hàng trăm đồng đội chúng tôi nằm lại, như có ai mách bảo, đầu tôi vang lên bốn câu thơ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia/ Ngàn năm mãi mãi ngân nga/ Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng đời”.
Bốn câu thơ ấy được khắc lần đầu trên quả chuông đặt tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt, năm 2009. Như một cơ duyên, hai câu thơ đầu “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia” đã trở thành đôi câu đối được nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước chọn khắc trên hoành phi, chuông đồng tại nhiều đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ: Bến Tắt (Quảng Trị), Long Đại (Quảng Bình), Ngọc Hồi (Kon Tum), Phú Quốc (Kiên Giang), Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 1 U Minh ( Cần Thơ); bia tưởng niệm liệt sĩ Đà Lạt (Lâm Đồng)…