Vượt qua cái tôi để hoàn thiện bản thân
Chị Nguyệt nhớ lại những ngày đầu làm tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ, đến đâu cũng bị người ta nói là lừa đảo. “Hồi đó nhiều người chưa hiểu về ngành, nên họ khinh thường lắm và không muốn tham gia vì sợ bị mất tiền. Ngay như bản thân tôi trước khi thực sự tìm hiểu và gắn bó với nghề cũng rất thành kiến với công việc này” - chị Nguyệt chia sẻ.
Đi đến đâu chị cũng bị né tránh, từ chối. Ấn tượng nhất trong số đó là trường hợp chị Lan, sau này trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của chị Nguyệt.
“Chị Lan thành kiến với người bán bảo hiểm nặng lắm. Khi tôi đến gặp, chị ấy nói ngay nếu định chào bán bảo hiểm thì mời về, thậm chí nước cũng không rót mời” – chị Nguyệt nhớ lại.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, lại nhận định đây là một khách hàng tiềm năng nên chị Nguyệt thay đổi “chiến thuật”, không hề nhắc đến bảo hiểm và vẫn năng đến nhà thăm hỏi chị Lan suốt cả năm trời. Không chỉ vậy, chị Nguyệt còn chủ động tham gia vào đội bóng chuyền mà chị Lan là một thành viên.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ tham gia đội bóng chuyền vừa là cơ hội để tiếp cận với chị ấy, vừa là rèn luyện sức khỏe” - chị Nguyệt kể. Rồi sau đó, cứ xong công việc trong ngày là chị Nguyệt tranh thủ ra sân. Dần dần chị tư vấn và bán được khá nhiều hợp đồng bảo hiểm cho các anh chị khác trong đội bóng.
“Đến một ngày, chị Lan chủ động hỏi tôi về bảo hiểm vì cứ mỗi lần ra sân là chị ấy lại nghe mọi người chuyện trò về bảo hiểm Prudential. Lúc đó, tôi cũng không vội tư vấn mà mời chị ấy đến tham dự buổi hội thảo dành riêng cho khách trong huyện” – chị Nguyệt nhớ lại.
Khi trở thành người quản lý, chị Nguyệt vẫn phải vượt qua những “rào cản” khác để thành công trong công việc. “Ở vị trí quản lý, ngoài việc tiếp xúc khách hàng còn phải xây dựng đội ngũ tư vấn viên vững mạnh trong ban, nhóm của mình. Nếu chỉ tuyển dụng những người ngang tầm hoặc kém hơn mình thì không khó, nhưng khi thuyết phục những người có vị trí xã hội cao hơn tham gia công việc này, tôi lại ngại ngần. Có lẽ, do sự tự ti cố hữu trong mỗi con người. Một lần nữa tôi lại xác định: đây chính là rào cản mình cần phải vượt qua. Cuối cùng, lòng kiên trì và quyết tâm đã giúp tôi thành công trong việc tuyển dụng và xây dựng một đội ngũ lớn mạnh” - chị Nguyệt chia sẻ.
Giữ tâm trong sáng và luôn duy trì nguồn năng lượng tích cực
Qua 10 năm theo nghề, chị Nguyệt cho rằng điều quan trọng nhất mà mỗi tư vấn viên bảo hiểm cần phải giữ trong suốt sự nghiệp của mình là cái tâm, là cam kết giữ trọn trách nhiệm với khách hàng trong suốt quá trình khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm.
Đối với khách hàng ở vùng nông thôn, chị dành nhiều thời gian hơn để giải thích cặn kẽ, đồng thời hướng dẫn kỹ càng việc hoàn tất hồ sơ bảo hiểm. Dù vậy, không phải ai cũng có thể thực hiện được một cách chính xác nên trung bình cứ mười người thì bảy người chị phải bắt tay vào hỗ trợ trực tiếp.
“Nếu mình không hỗ trợ thì bà con không biết làm. Chưa kể nhiều người thấy quá khó khăn, phức tạp lại bỏ hết, rồi có khi lại quay ra trách mình” - chị cho biết.
Nhớ lại câu chuyện của khách hàng N.V. Hùng (60 tuổi) phải nhập viện vì chấn thương do té ngã. Sau thời gian điều trị nội trú, anh Hùng chỉ lấy về giấy ra viện. Khi chị hướng dẫn bổ sung các giấy tờ cần thiết để nhận quyền lợi bảo hiểm thì người nhà anh tỏ ý không hài lòng vì cho rằng công ty đòi hỏi nhiều, gây khó khăn trong công tác bồi thường, chi trả.
“Lúc đó, tôi đành yêu cầu khách hàng đưa thông tin để tôi tự đến bệnh viện lấy đầy đủ giấy tờ cần thiết. Không chỉ vậy, tôi còn photocopy một bản đưa khách hàng và dặn “anh giữ để làm thủ tục miễn giảm lao động ở xã. Giấy tờ đầy đủ, thông tin rõ ràng mới chứng minh anh đi viện thật, nhờ đó công ty mới có cơ sở để chi trả. Mong anh thông cảm”.
"Đến đó khách hàng cũng chưa cảm ơn mình đâu mà tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ thêm mấy lần nữa thì họ mới thực sự cảm kích. Nhưng sau này khi đã hiểu, gia đình anh Hùng còn tham gia với tôi thêm một số hợp đồng khác nữa” - chị Nguyệt nhớ lại.
Với chị, dù phải bỏ thêm công sức để hỗ trợ khách hàng thì chị cũng thấy đúng đắn và hài lòng. Đó chính là chữ “tâm trong sáng” trong nghề mà chị vẫn giữ. Làm nghề với chị Nguyệt bây giờ là niềm vui. Nếu một ngày chị phải ở nhà vì bệnh hay do bận việc gia đình đều khiến chị cảm thấy bức bối.
Với chị, công việc không chỉ vì thu nhập, mà còn là cơ hội để chị giao lưu, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Bởi vậy, chị luôn cảm thấy vui vẻ và hứng thú mỗi khi gặp khách hàng.
“Tâm trạng và suy nghĩ tích cực đã giúp ích rất nhiều cho mình trong công việc. Nhờ đó, mỗi khi gặp phải khách hàng khó tính, hay bị từ chối hoặc bị nói nặng lời, mình đều có thể kiên nhẫn lắng nghe, thông cảm và giải thích cặn kẽ cho khách hàng hiểu, tránh được trạng thái tâm lý tiêu cực" - chị bộc bạch.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng có thể giữ được nguồn năng lượng tích cực. Những lúc mệt mỏi, chị chủ động dừng công việc để nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần. “Bởi nếu mình muốn nhận được niềm vui khi đến với khách hàng thì bản thân mình trước hết phải mang niềm vui đến gặp họ. Vậy mới công bằng chứ” - chị chia sẻ.
Giờ đây, khi nhắc về công việc tư vấn bảo hiểm, chị Nguyệt luôn tâm niệm rằng, gặp gỡ khách hàng chính là những trải nghiệm thú vị mà chị có thể thực hiện mỗi ngày.