Trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, rất nhiều phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn báo chí nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến.
Những kỷ vật của ông được chuyển về cho gia đình, trong đó có chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3. Qua các bức ảnh Ignacio Ezcurra đã chụp ở Việt Nam, câu chuyện Việt Nam thời chiến đã được khắc họa với nhiều góc cạnh khác nhau.
Ông đến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh ác liệt năm Mậu Thân 1968 với sự tò mò thôi thúc. Từ sự bỡ ngỡ đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong tiếng pháo, tiếng trực thăng, dây thép gai và súng máy, Ignacio đã mô tả chiến tranh là bom đạn, khói lửa, là tội ác, là biết bao đau thương, mất mát.
Tác phẩm của ông phản ánh chiến tranh luôn khốc liệt. Khốc liệt khi ông mô tả về một trận càn của Mỹ ở thung lũng A Sầu (Huế), nơi Mỹ tập trung hỏa lực, ném bom B.52 để đánh phá, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam.
Những bức ảnh của Ignacio còn cho thấy, người dân Việt Nam vẫn luôn lạc quan trong bom đạn, khi khói lửa qua đi, cuộc sống vẫn tiếp diễn hàng ngày… Các bài viết và cuốn sách Hasta Việt Nam (Đến Việt Nam) của ông được đưa vào chương trình học tại các trường báo chí ở Argentina và Mỹ Latinh.
50 năm sau ngày mất của Ignacio, gia đình ông đã đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và trao tặng lại những kỷ vật của nhà báo Ignacio cho bảo tàng. Những hình ảnh của chuyến đi được cô cháu ngoại Luisa Duggan ghi lại bằng cảm xúc của một cuộc tìm về và tưởng nhớ sau 50 năm - cũng từ chiếc máy ảnh Ignacio để lại.
Từ di vật chiếc máy ảnh của Ignacio và những bức ảnh do 2 ông cháu chụp ở Việt Nam cách nhau 50 năm, triển lãm kể câu chuyện Việt Nam trong thời chiến qua lăng kính của nhà báo Ignacio và Việt Nam thời bình qua góc nhìn của cháu ngoại ông.