Câu chuyện thời trang

Phụ nữ thích mua sắm, chuyện đó tưởng đã rõ. Nhưng phụ nữ thường mua sắm những gì? Đó lại là một câu chuyện không phải là không thú vị nếu chúng ta thử tìm cách chiếu rọi nó.

1. Hồi nhỏ đọc truyện Tàu, tôi cứ nhớ mãi câu “Sự liễu phất y khứ/ Thâm tàng thân dữ danh” (Việc xong rũ áo ra đi/ Xóa nhòa thân thế, kể gì tiếng tăm - Trần Trọng San dịch). Đây là hai câu thơ trong bài Hiệp khách hành của Lý Bạch ca ngợi nghĩa khí của đám bằng hữu Tín Lăng Quân, Hầu Doanh, Chu Hợi. Khi gặp trong sách những nhân vật chọn cách ứng xử “công thành - thân thoái” như Phạm Lãi, Trương Lương, tôi mường tượng hình ảnh “phất y khứ” của họ chắc là rất hào sảng. Tôi thích dịch cụm từ “phất y khứ” thành “phất tay áo ra đi” hơn, vì thấy nó “đã” hơn, nó khinh bạc hơn là “rũ áo ra đi”. “Rũ áo ra đi” gợi đến thái độ xuất xử, đến cách chọn lựa, đó là thái độ của một triết gia, một bậc đạo hạnh. Còn “phất tay áo ra đi” nhấn mạnh về hành động, ẩn tàng khí phách hiên ngang của một hiệp sĩ. Thấy “đã”! Nhưng muốn “rũ” hay “phất” gì thì tay áo bắt buộc phải rộng. Đó là tay áo mà chú bé Lục Tích trong Nhị thập tứ hiếu giấu quýt đem về cho mẹ, ngớ ngẩn để chủ nhà bắt quả tang.

2. Cái tay áo rộng thùng thình đó bây giờ không còn nữa. Thời hiện đại, tay áo có thể dùng để “phất y khứ” chỉ còn trên sân khấu tuồng, chèo, cải lương hoặc trong các phim cổ trang. Quan sát nam phụ lão ấu đi đứng ngoài đường, bên ta cũng vậy mà bên Tàu cũng vậy, thấy tay áo người nào cũng vừa vặn với cổ tay, không thể dùng để “rũ” hay “phất” được. Lý Bạch nếu sống thời nay, chắc chắn không dùng hình ảnh “phất tay áo ra đi” để trỏ thái độ của kẻ sĩ không màng danh lợi. Có khi thi bá họ Lý buộc phải dùng tới ngôn từ thô lậu “phủi đít ra đi” cũng nên!

Nói lan man nãy giờ, cũng chỉ cốt để kết luận rằng trang phục ngày nay khác xưa nhiều quá. Có lẽ trên đời không có gì biến đổi nhanh hơn trang phục. Thay đổi một cách nghĩ chẳng dễ, thay đổi một cách cảm càng vô cùng khó, nhưng thay đổi một cách ăn mặc lại quá sức tự nhiên. Xuất xứ của cụm từ “à la mode” vì vậy hẳn có nguồn gốc từ chuyện ăn mặc. Tất nhiên “thời trang” không phải là lãnh địa dành riêng cho phụ nữ. Nhưng trong thực tế, chúng ta có thể kết luận mà không cần phải uốn lưỡi quá nhiều rằng ngành thời trang được sinh ra chủ yếu vì quý bà và cho quý bà.

3. Trên đại thể, phụ nữ nào cũng bận tâm đến trang phục. Sắm sửa quần áo, mũ nón, giày dép có lẽ là nhu cầu thiết thân và thường trực của mọi phụ nữ. (Từ ngày xứ ta bắt buộc đi xe máy phải đội nón bảo hiểm thì mối quan tâm của phụ nữ đến mũ nón sụt giảm đáng kể). Vào siêu thị hoặc một khu mua sắm nào đó, không cần giỏi quan sát ta cũng dễ dàng nhận ra chốn thu hút phụ nữ nhiều nhất là các gian hàng quần áo.

Làm đẹp là bản tính của phụ nữ. Chúng ta vẫn thường gọi phụ nữ là “phái đẹp” đấy thôi. Cách gọi đó bao hàm thái độ chấp nhận ước muốn làm đẹp của phụ nữ là nhu cầu tự nhiên, ít ra là để chứng tỏ họ xứng đáng với mỹ từ mà cánh mày râu gọi họ.

Các nhà kinh doanh khai thác nhu cầu này của phụ nữ đến tận răng: các loại nước hoa, keo xịt tóc, son phấn, kem dưỡng da, kem chống nắng, các loại sơn dành cho móng tay và móng chân được sản xuất và cung cấp từng giờ. Hiển nhiên không thể thiếu trang phục.

4. Trang phục dành cho phụ nữ phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chủng loại, lại thay đổi liên tục. Trong khi đó, trang phục của đàn ông về cơ bản không biến đổi nhiều qua thời gian. Từ khi Âu phục xuất hiện ở Việt Nam, gần một thế kỷ qua cách ăn vận của các đấng mày râu về cơ bản vẫn không có gì khác: quần tây dài, áo sơ mi; có biến tấu gì đi nữa vẫn không thoát khỏi kiểu dáng đã được “cổ điển hóa” đó. Quần gin áo pull chỉ là biến tướng về mặt chất liệu, chứ không đột phá về mặt quy cách. Đi các nước, thấy đàn ông nhiều nơi trên thế giới hầu hết cũng đều ăn mặc giống nhau, nghĩa là giống y chang đàn ông xứ ta.

Phụ nữ thì khác. Về sự đổi mới trong ăn mặc, phụ nữ “nổi loạn” hơn nhiều. Và nếu bạn tin có một cuộc cách mạng trong ăn mặc, điều đó chỉ có thể xảy ra trong thế giới quý bà. Bikini ở thập niên 40 là một ví dụ. Chỉ phụ nữ Việt Nam thôi đã có thể liệt kê: áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, quần tây áo sơ mi, các loại váy, yếm... Riêng áo dài và váy thôi, đã nhiêu khê qua từng biến thiên: cổ cao, cổ thấp, xẻ nách, xẻ sườn, váy túm, váy quét, váy cộc, váy dài. Ngay chiếc áo sơ mi của phụ nữ cũng “biến động” hơn áo cùng loại của đàn ông: hở ngực, hở rốn, ôm mông, giả bầu... Thậm chí chiếc quần là vật che thân nhạy cảm nhất, tưởng không có lý do gì để co dãn, cũng đã bắt đầu trễ xuống...

Mẫu mã, kiểu dáng ngày một đa dạng, đổi thay liên tục, làm sao một phụ nữ không bồn chồn mua sắm khi chị hàng xóm, cô đồng nghiệp lượn lờ trước mặt với những kiểu áo kiểu quần mới lạ từng ngày.

5. Như vậy, trong khi đòi hỏi quan trọng nhất trong ăn mặc của các ông là lịch sự, gọn gàng thì tiêu chí về trang phục phụ nữ còn đi xa hơn (và cao hơn): còn phải đẹp, thậm chí hơn cả đẹp: phải mới lạ. Chỗ này, đàn ông không nên so bì với các bà các cô. “Trai tài gái sắc”, ông bà đã tổng kết rồi, nhan sắc với phụ nữ là một giá trị, mặc dù sau đó ông bà cẩn thận dặn thêm “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng khi cái đẹp chưa chết thì nó vẫn có quyền làm cho mình đẹp hơn.

Cho nên mới nói: mua sắm quần áo là sở thích mà mọi phụ nữ đều gặp nhau, đặc biệt là các cô gái trẻ. Bên cạnh đó, dĩ nhiên cũng có phụ nữ thích sắm nữ trang, phụ nữ có chồng có con thì thích sắm dụng cụ gia đình, thích la cà bên các quầy thực phẩm. Sự phân hóa (hay bổ sung?) về mặt sở thích này cũng là một khía cạnh đáng để chúng ta tò mò, nhưng có lẽ nên dành nó cho một bài viết khác.

Nguyễn Nhật Ánh

Tin cùng chuyên mục