Câu chuyện nhuận bút nhà văn

Nhà in mới biết in bao nhiêu

Nhà văn Bùi Anh Tấn nổi tiếng hiền lành, ai nói gì ông thường cười cho qua. Thế nhưng mới đây, tác giả Một thế giới không có đàn bà đã tỏ rõ sự bực bội vì chuyện nhuận bút.

Tác giả Lê Hữu Nam ký tặng bạn đọc trong buổi ra mắt sách

Nhà in mới biết in bao nhiêu

Nếu viết văn được xem là một nghề, thì nhuận bút của nhà văn là nguồn thu nhập chính để họ sống và tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, ở ta hiện nay không có bao nhiêu nhà văn sống được bằng nhuận bút. Có nhiều lý do, trong đó có chuyện một số đơn vị làm xuất bản và phát hành sách “chơi” không đẹp với tác giả. Thường thì nhuận bút một cuốn sách không đáng bao nhiêu nhưng rất lâu mới có thể đến tay nhà văn.

Trung bình các đơn vị xuất bản trả nhuận bút cho nhà văn là 10% nhân với giá bìa và số lượng in. Ví dụ, cuốn sách in số lượng 1.000 cuốn với giá bìa 100.000 đồng/cuốn, nhà văn được hưởng 9 triệu đồng nhuận bút (nộp thuế thu nhập 1 triệu đồng). Để viết được một cuốn sách, nhà văn mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng với khoảng 10 triệu đồng nhuận bút, sẽ không nhà văn nào sống nổi, chứ chưa nói là tái tạo sức lao động. Vậy nhưng, một số đơn vị xuất bản và phát hành sách còn “chơi” không đẹp. “Chiêu” mà nhiều đơn vị xuất bản hay dùng với nhà văn là chỉ ký hợp đồng in 1.000 - 2.000 cuốn nhưng thực chất in bao nhiêu thì chỉ có… nhà in mới biết.

Trường hợp nhà văn Lê Hữu Nam và tác phẩm Mật ngữ rừng xanh là một điển hình. Ông ký hợp tác in 1.000 cuốn Mật ngữ rừng xanh với Công ty sách Bách Việt (Hà Nội) và nhận nhuận bút 7,5 triệu đồng. Khi sách phát hành, ông mua hơn 900 cuốn để làm quà tặng, thì phát hiện Mật ngữ rừng xanh in nhiều hơn hợp đồng. Nhà văn đã đề nghị Bách Việt tái bản tiếp 1.000 cuốn nhưng đơn vị này không tiến hành. Nhiều nhà văn có kinh nghiệm hợp tác với giới “đầu nậu sách”, chia sẻ: “Để khỏi mất thời gian và phiền lòng nhau, khi ký hợp đồng cứ nêu rõ, tôi ký với ông trong vòng 5 năm với số tiền cụ thể là…, trong 5 năm đó, ông muốn in bao nhiêu cuốn thì in, vì tôi không có thời gian để đi kiểm tra sách của mình được in bao nhiêu cuốn”.

Gian nan đòi nhuận bút

Nhà văn Bùi Anh Tấn là một trong những tác giả bị Nhà xuất bản Limbooks (Hà Nội) “giam lỏng” nhuận bút. Trước đó, nhà thơ Đinh Thu Hiền cũng hợp tác in cuốn Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão với Limbooks và nhuận bút cũng bị Limbooks “cù cưa” chưa trả. Đinh Thu Hiền sống ở TPHCM nên phải nhờ người thân ở Hà Nội đòi năm lần bảy lượt mới được trả.

“Cù nhầy” cũng là cách một số đơn vị xuất bản thường hay áp dụng để các văn nhân nổi “máu sĩ” không đòi tiền nữa. Nhà văn tự xin giấy phép in sách, sau đó đem đến nhà sách ký gửi, sách gửi vào nhưng tiền bán sách thì… “hãy đợi đấy”. Một nhà văn có tiếng là best-seller gửi sách ở nhà sách nửa năm không nhận được đồng tiền bán sách nào. Khi đến đòi, nhà sách nói: “Sách anh cuốn nào bán cũng chạy, không hiểu sao cuốn này bán không ai mua!”… Còn nhà văn Bùi Anh Tấn sau nhiều lần bị khất nợ, mới đây cho biết: “Limbooks nhắn tin xin lỗi và hứa trong vòng một tuần sẽ thanh toán dứt điểm. Vì vậy, tôi chưa thể công bố hồ sơ vụ việc…”. Mong là lần này ông sẽ không bị… thất hứa tiếp!

Trước đó, nhà văn Võ Thu Hương cũng bị phiền não vì nhuận bút với Limbooks khi hai bên hợp tác in cuốn sách Lạc giữa thanh xuân. Sau khi nhất quyết đòi nhuận bút và hao tốn không ít công sức, Võ Thu Hương đã nhận được số tiền của cô. Tác giả Võ Thu Hương cho biết: “Limbooks có viết thư xin lỗi tôi, nhưng đồng thời cũng nói rằng, họ mất cả tiền, cả tình bạn khi hợp tác với tôi!…”

HOÀNG NHÂN

Tin cùng chuyên mục