Câu chuyện không hồi kết


Những ngày qua, trang phục của một đại sứ Việt Nam ở nước ngoài trong một nghi thức ngoại giao lại khiến dư luận ồn ào, tranh cãi nhiều chiều.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trong trang phục áo dài truyền thống. ẢNH: ĐẠI SỨ QUÁN CUNG CẤP
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu trong trang phục áo dài truyền thống. ẢNH: ĐẠI SỨ QUÁN CUNG CẤP

Ban đầu, bộ trang phục áo dài, tay thụng bị “mổ xẻ” cho là không thuần Việt, sau đó nhiều người còn chỉ ra, miếng vải khâu trên trang phục, hay còn gọi là “bổ tử”, không phải là bản đồ cổ xưa như nhà thiết kế chia sẻ. Tất nhiên, tranh cãi này sẽ không phân thắng bại, song nó là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc cần khởi động lại việc tìm chọn bộ quốc phục hay đơn giản là đưa ra những quy chuẩn về trang phục truyền thống.

Thực tế, câu chuyện tìm chọn quốc phục không mới mẻ, thậm chí Bộ VH-TT-DL cũng đã từng xây dựng một đề án, phát động thiết kế quốc phục… với sự tham gia của các nhà thiết kế, nhà sử học, chuyên gia mỹ thuật. Nhiều phương án được đưa ra từ áo dài, complet, áo tứ thân, ngũ thân để xin ý kiến, song tiếc thay, không có bộ thiết kế nào nhận được sự đồng thuận cao. Cũng giống như đề án quốc hoa, đề án quốc phục lại một lần nữa bị bỏ ngỏ khi không có đơn vị đủ thẩm quyền nào quyết và đưa ra lựa chọn có tính thuyết phục.

Trang phục không chỉ đơn thuần là yếu tố thẩm mỹ thông thường mà còn chứa đựng trong đó những câu chuyện về văn hóa, phong tục, tập quán. Chính vì vậy, những tranh luận về thời trang luôn thu hút sự quan tâm và tham gia của mọi thành phần trong xã hội. Cũng liên quan tới vấn đề trang phục, không lâu trước đó, hiệu trưởng một trường đại học bị “ném đá”, thậm chí bị cấp trên yêu cầu giải trình về việc mặc áo dài nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, đeo vòng cổ trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Có ý kiến cho rằng đó là lai căng, a dua học đòi, rằng người Việt Nam thì sao phải mặc mấy thứ trang phục lạ lẫm như vậy…

Nhìn một cách tổng thể, sự “lạc điệu” của thời trang đã diễn ra âm thầm, có thể kể đến như trào lưu khoác áo choàng đen đỏ, đội mũ cử nhân để chụp ảnh lưu niệm, không kể là học sinh cấp 1, 2, 3 hay là mới “tốt nghiệp” mẫu giáo. Gần đây, phần thi mang tên “trang phục dân tộc” của một cuộc thi tổ chức ngay tại Việt Nam có hình dạng bánh tráng trộn, chiếu Cà Mau, thậm chí có bộ trang phục còn được cho là lấy cảm hứng từ bàn thờ tổ tiên khiến người xem hoang mang.

Thời trang không chỉ mang yếu tố thẩm mỹ đơn thuần mà trong nhiều bối cảnh, đó còn là biểu tượng thể hiện bản sắc, văn hóa của quốc gia, dân tộc. Vì thế, dẫu biết là khó, nhưng cũng cần sớm có những quy chuẩn, nguyên tắc trong việc thiết kế và sáng tạo trang phục truyền thống, đặc biệt là những trang phục sử dụng trong các nghi lễ, ngoại giao. Có như vậy mới tránh được những ồn ào không đáng có, đồng thời cũng là một cách để khẳng định bản sắc văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục