
Sáng ngày 1-8-2007 Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) và liên danh các nhà thầu Nhật TKN-JO (gói thầu số 2) đã tổ chức buổi lễ gọn nhẹ cho công việc hết sức quan trọng căng cáp lượt dây văng đầu tiên cầu Cần Thơ. Người dân Cần Thơ, Vĩnh Long mặc dù không được tiếp cận với công trường vì lý do an toàn nhưng vẫn vui vẻ đứng bên ngoài hàng rào chứng kiến thời khắc quan trọng này.
Sự kiện này được xem là cột mốc đặc biệt bởi chỉ mới khởi công từ tháng 10-2004 cầu Cần Thơ hiện vượt tiến độ 1,95% so với kế hoạch, “đi sau mà về trước” so với cầu Rạch Miễu – Bến Tre, khởi công trước 2 năm (2002) nhưng cũng chỉ căng cáp lần đầu cách đây nửa tháng.

Kéo dây văng cầu Cần Thơ. Ảnh: CAO THĂNG
Quan khách phần đông phải đứng dưới mặt đất để chứng kiến qui trình căng cáp, nhưng các phóng viên được phép sử dụng thang máy lên cao cách mặt nước 40m để ghi nhận giây phút quan trọng ấy do nhà thầu Nippon Steel Engineering (NSE)–thực hiện. Quan sát mắt thường có thể thấy bó cáp cầu Cần Thơ có nhỏ hơn cầu Mỹ Thuận, tuy nhiên các kỹ sư giải thích các sợi cáp xoắn vào nhau chứ không rỗng nên tiết diện nhỏ nhưng tính chịu lực cao.
Kỹ sư Shinji Muroi – Trưởng bộ phận lắp đặt dầm cáp tiết lộ tổng số người tham gia lắp dựng cáp dây văng là 55 người (cả hai trụ tháp) trong đó chỉ có 7 người Nhật còn lại là 48 người Việt.
Tổ lắp dựng cáp trụ tháp bờ Bắc có một kỹ sư lắp dựng và hai giám sát viên người Nhật, các vị trí như kỹ sư lắp dựng, tổ trường, công nhân, điều khiển cẩu tháp đều do người Việt đảm nhiệm. Như vậy có thể thấy việc căng cáp gần như do người Việt thao tác, các kỹ sư Nhật chỉ giám sát và hướng dẫn.
Nippon Steel Engineering thực hiện đợt căng kéo dây văng đầu tiên, mỗi đợt gồm 4 sợi/phía trụ tháp, chu trình căng 10 ngày/đợt căng 4 sợi/phía tháp trong tổng số 216 bó cáp dây văng toàn cầu, dự kiến 12 tháng sẽ hoàn thành.
Ông Kojienomoto – Giám đốc dự án liên danh Tư vấn giám sát Nippon – Koei – Chodai cho biết để có được cầu Cần Thơ hôm nay là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của các kỹ sư Nhật – Việt. Chúng tôi đã nghiên cứu khả thi từ năm 1996, nhiều yếu tố được xem xét kỹ nhằm xác định vị trí, loại cầu, tránh các địa điểm văn hóa, khu đông dân cư, điều kiện địa chất ĐBSCL cũng như hình thái sông Hậu.
Việc thiết kế cầu Cần Thơ còn được xét đến những yêu cầu của giao thông vận tải quốc tế trên sông Mê Kông trải dài đến Phnom Penh - Campuchia do vậy tĩnh không thông thuyền xác định là 39m cho các loại tàu đến 10.000 tấn qua được. Chiều cao đỉnh tháp là 165m, 4 làn xe ôtô, 2 làn xe 2 bánh, dầm cầu chính kết cấu bê tông hộp , 200m đoạn giữa nhịp chính bằng dầm thép nhằm giảm trọng lượng tối đa, đây là cầu dây văng kết cấu hỗn hợp với chiều dài nhịp chính 550m.
Hình dạng trụ tháp tượng trưng sự chắp tay nguyện cầu cho mọi sự tốt đẹp. Móng cọc bê tông đúc tại chỗ được xác định từ 92m-94m xuyên qua lớp bùn bồi đảm bảo sự vững chắc của công trình.
Theo Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Dương Tuấn Minh thì cầu Cần Thơ với tổng chiều dài 15,85km, giá trị 4.138 tỷ đồng (thời điểm 2004) được chia làm ba gói thầu: gói 1 – đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long do liên danh Cienco1 + Cienco6 + Cienco8 thi công; gói số 3 phần đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ do nhà thầu Trung Quốc CSCEC thực hiện. Phần cầu chính dây văng và cầu dẫn qua sông Hậu (gói 2) dài 2,75km (cầu chính 1.010m) do liên danh các nhà thầu Nhật TKN-JO đảm nhiệm trong 50 tháng.
Đến nay toàn dự án đạt 62,50%, vượt 1,95% so với kế hoạch đề ra, ông Minh còn cho biết khó khăn ngoài dự kiến hiện nay là giá thép tăng vọt, thời điểm đấu thầu 2004 từ 4000đ/kg đến nay đã 11.000đ/kg. Nếu không được kiểm soát sau khi hoàn thành dự án các nhà thầu có thể bị lỗ khoảng 100 tỷ đồng vì thép chiếm đến 60% giá trị các gói thầu.
Tuy nhiên, Ban QLDA Mỹ Thuận và nhà thầu cùng Tư vấn giám sát cũng đã hứa với lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 12-2008. Đảm bảo chất lượng và mỹ quan xứng tầm là một trong những cây cầu dây văng hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á.
THANH CHƯƠNG