Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, thời gian gần đây, các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị bệnh dại do lây nhiễm từ chó, mèo truyền sang và hầu hết đều tử vong. \
Mới đây là trường hợp của bệnh nhi Hoàng Văn N. (11 tuổi) đã bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng trước khi nhập viện 3 tháng nhưng cháu N. không nói cho gia đình biết. Sau đó nhiều ngày, bỗng nhiên, cháu N. có biểu hiện mệt mỏi, thường rùng mình nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió, sợ ánh sáng… nên cháu N. mới nói với gia đình và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám và điều trị. Tuy nhiên dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực nhưng bệnh nhi N. đã tử vong sau ít ngày nhập viện.
Bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine ngừa dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên bệnh dại không khởi phát bệnh ngay mà thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 ngày đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Ngay khi bị nhiễm virus dại, nếu không tiêm vaccine dại kịp thời, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp.
Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên rất khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh... Do vậy, ngay khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà phòng liên tục trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Sau đó, người bệnh cần nhanh chóng đi tiêm vaccin dại để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, đồng thời nên theo dõi vật nuôi trong 15 ngày.