Kỹ sư Nhật Bản Haruo Yanagawa:

“Cầu Bãi Cháy là Number One”

Những “guinnes” của cầu Bãi Cháy
“Cầu Bãi Cháy là Number One”
“Cầu Bãi Cháy là Number One” ảnh 1

Cầu Bãi Cháy (CBC) – cầu dây văng dự ứng lực bê tông cốt thép một mặt phẳng dây có chiều dài nhịp lớn nhất thế giới – vừa khánh thành vào ngày 2-12, sau 40 tháng thi công (từ tháng 8-2003) với công sức của hơn 1.000 công nhân thuộc 5 tổng công ty xây dựng Việt Nam và hơn 20 chuyên gia nước ngoài.

Trong đó, ông Haruo Yanagawa, người Nhật, Giám đốc Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy, đã gắn bó với cây cầu từ dự án nghiên cứu tiền khả thi cho đến khi công trình hoàn thành. Ông đã dành cho Tuần san SGGP Thứ Bảy cuộc trò chuyện thú vị.

Hơn nửa cuộc đời đi bắc cầu “ngoại”

- CBC lớn về quy mô và phức tạp về kỹ thuật. Ở cương vị Giám đốc dự án, bản thân ông có chịu nhiều áp lực?

- Tôi bắt đầu gắn bó với nghề cầu đường từ năm 1968. Sau 6 năm làm việc trong nước, hơn 30 năm nay, tôi liên tục tham gia thi công những công trình ở nước ngoài như Mỹ, Kennya, Iraq, Campuchia, Singapore, Philippines và bây giờ là VN. Từ năm 1999, tôi “đầu quân” về Viện Cầu và Kết cấu Nhật Bản (JBSI) – đơn vị chuyên tư vấn và thiết kế công trình cầu đường.

Năm 1997, tôi và những người của Viện Cầu và Kết cấu Nhật Bản đến Quảng Ninh để tiến hành các bước công việc nghiên cứu tiền khả thi xây dựng CBC. Yêu cầu đặt ra là CBC phải tôn thêm vẻ đẹp vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới hai lần được UNESCO công nhận, đồng thời tiết kiệm chi phí.

“Cầu Bãi Cháy là Number One” ảnh 2

Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi đã chọn mẫu thiết kế bảo đảm mỹ quan, kết cấu cũng như giải pháp thi công sao cho CBC vừa bền lại vừa không gây bất kỳ sự ô nhiễm nào cho vùng vịnh.

Chiều rộng và chiều cao tĩnh không đường thủy của CBC phải đảm bảo cho tàu 5 vạn tấn ra, vào cảng Cái Lân. Có lẽ đó là những sức ép đáng kể.  

Với kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên môn, tôi đã được tin tưởng giao phó việc giám sát toàn bộ quá trình thi công CBC gồm cả ba gói thầu: hai gói thầu của VN đảm trách phần đầu cầu CBC và Hạ Long, gói thầu của Nhật Bản chịu trách nhiệm phần thân cầu.

- Công đoạn thi công móng trụ bằng công nghệ giếng chìm hơi ép lần đầu tiên được áp dụng tại VN đã được tiến hành ra sao?

- Việc thi công được thực hiện bằng hai chiếc máy xúc hoạt động ngày đêm trong một khoang bê tông kín như bưng, rộng 400m, cao 2,5m, như một chiếc phễu úp ngược để khối bê tông nặng trên 2.000 tấn từ từ chìm vào lòng đất. Việc đúc dầm hẫng cho chiều dài quá khổ của nhịp chính đảm bảo điểm hợp long hai khối dầm dài nửa cây số được kết nối với độ sai số chỉ được tính bằng milimét... Các thông số vật liệu, độ chịu lực, từ biến, kiểm soát độ vồng… đều được đưa vào máy tính xử lý.

Bên cạnh đó, việc căng cáp dự ứng lực cũng là một công nghệ khó.

“Niềm vui khó lòng trọn vẹn”

- Ông có hoàn toàn hài lòng về CBC?

Tổng vốn đầu tư khoảng 2.140 tỷ đồng, gồm vốn ODA đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản và một phần vốn đối ứng trong nước.
Dài 2.487m, trong đó chiều dài cầu chính (không kể đường dẫn) 903m, gồm 6 nhịp liên tục, nhịp chính dài 435m (vượt 35m so với kỷ lục thế giới thuộc về cầu Sunshinne Skyway); chiều cao thông thuyền 50m, trụ cao nhất 137,5m so với mực nước biển.
Mặt cầu rộng 25,5m được thiết kế cho 4 làn xe ô tô H30 (360 xe với tổng tải trọng 10.800T có thể chạy qua cầu cùng một lúc cách nhau 10m). 2 làn đường cho người đi bộ rộng 2,5m chứa được 30.100 người. Hai thân trụ tháp cao 90m/tháp.
Chịu đựng được những điều kiện thời tiết bất lợi: động đất (cấp 7), gió bão (tốc độ gió 50m/s-180km/h), thay đổi nhiệt độ với biên độ thay đổi 15 độ.

- Không chỉ với quy mô hoành tráng, CBC được thiết kế mỹ thuật phù hợp với cảnh quan môi trường. Cây cầu đã hoàn thành đúng như mong mỏi của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Bộ GT-VT và những người yêu mến vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, tôi được biết, khi CBC đi vào vận hành, không ít công nhân tham gia vận hành phà Bãi Cháy chưa có việc làm và đời sống của những người có việc làm cũng không như trước vì doanh thu từ phí cầu đường thấp hơn so với phí đi phà. (Trước đây, mỗi ngày có 700 chuyến phà ở bến phà Bãi Cháy chuyên chở hơn 5 vạn lượt người từ Hòn Gai tới Bãi Cháy - PV).

Đó cũng là những vấn đề đặt ra và tôi mong các bạn sẽ giải quyết ổn thỏa. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để nối liền những nhịp cầu, nối liền những bờ vui, dù tôi biết rằng, niềm vui nào cũng khó lòng trọn vẹn!

- CBC có ý nghĩa ra sao với ông?

- CBC là 1 trong 5 cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng dây lớn nhất thế giới, cùng với Sunshinne Skyway (Mỹ), Elorn (Pháp), Puenete Coatzacoaltos (Mexico), Brotnne (Pháp) nhưng với tôi, CBC là “number one”. Là một kỹ sư cầu, tôi cảm thấy tự hào khi được tham gia vào dự án này.

- Xin tò mò được hỏi, có phải vì cây cầu rất đẹp mà ông đưa cả vợ và con đến chiêm ngưỡng?

- (Cười vui) CBC rất đẹp nhưng vợ con tôi đến không chỉ để chiêm ngưỡng! Con trai tôi học ngành điện lực. Nó đến VN đúng lúc khánh thành CBC. Nó rất vui và hạnh phúc vì CBC hoàn thành có một phần công sức nhỏ bé của tôi. Vợ tôi đã luôn ở bên tôi trong suốt thời gian ở VN. Khi hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt hoàn chỉnh, nhìn cây cầu rực rỡ trong đêm, bà ấy đứng nép bên tôi và không giấu được xúc động. Bà ấy rất tự hào về “chiến công” mới của tôi. Bà ấy và con trai tôi đến để chia vui với tôi và với các bạn.

Rất nhớ món bún chả và phở

- Sắp chia tay VN, điều gì khiến ông nhớ nhất?

- Một số công việc của gói PC1 và 3 chưa hoàn thành và khối lượng công việc phát sinh của dự án sẽ tiếp tục thực hiện trong một, hai tháng nữa. Hợp đồng của tôi kết thúc vào cuối tháng này. Tôi sẽ trở về nước trong một ngày không xa, nhưng quả thực, tôi rất thích được làm việc ở VN.

Hơn hai năm qua, con đường Quảng Ninh- Hà Nội đã trở nên rất đỗi thân thuộc với tôi. Tôi yêu cảnh vật và con người nơi đây. Về Nhật Bản, tôi sẽ rất nhớ món bún chả và phở bò của Hà Nội. Có những ngày mùa hè, suốt cả tuần liền, trưa nào chúng tôi cũng đánh chén bún chả… Đời người kỹ sư làm cầu chẳng được ở đâu lâu. Khi mọi người hân hoan bước trên cây cầu mới cũng là lúc chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào công trình mới với những thử thách mới.

Tôi được biết, các bạn sắp sửa xây dựng cầu Nhật Tân với 5 tháp dây văng bắc qua sông Hồng. JBSI đang tham gia đấu thầu. Tôi hy vọng có dịp trở lại VN.

- Xin cảm ơn ông!

        Những “guinnes” của cầu Bãi Cháy
Đoàn xe thử tải có tải trọng lớn nhất: 48 chiếc, trọng tải mỗi chiếc 25T với tổng trọng tải là 1.200 tấn.
Máy móc thiết bị kiểm định công trình hiện đại nhất và nhiều chủng loại nhất với hơn 21 loại, hầu hết được sản xuất tại Nhật Bản và Mỹ.
Số điểm đo nhiều nhất: 354 điểm.
Thời gian thử tải kéo dài nhất: 23 ngày.
(Nguồn: Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy)

HOÀNG GIANG - VŨ LÂM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục