Sau vài năm bùng nổ những sàn catwalk, bùng nổ những đêm hội thời trang, catwalk Việt bước vào năm 2008 với những... ảm đạm được dự báo trước.
Ảm đạm nhiều bề
Nghe có vẻ trái khoáy khi làng biểu diễn thời trang Việt năm 2007 đón chào nhiều cơn gió lạc quan. Những cuộc thi hoa hậu liên tiếp được tổ chức để nhiều nhà thiết kế (NTK) và các người mẫu đủ không gian vẫy vùng. Võ Việt Chung thành công từ trong ra ngoài nước và được FTV mời lên truyền hình. FTV đến nước ta, mở rộng thêm sàn cho người mẫu Việt làm dáng.
Đẹp Fashion show (ĐFS) tiếp tục khẳng định đẳng cấp. Hàng loạt các chương trình thời trang của nhiều NTK được trình diễn, các nơi đua nhau mở lớp đào tạo người mẫu và lời hứa hẹn luôn đủ sàn để diễn.
Nhưng thực tế thì những điều ấy chỉ là bề nổi của tảng băng trong năm 2007. FTV đến và đi chỉ ở tầm du lịch, giao lưu và những người mẫu của nó hầu hết ở mức tầm tầm.
Tầm ảnh hưởng của FTV thực chất không nằm ở con tàu Diamond sáng loáng ấy nhưng đã có khá nhiều người mẫu Việt tin rằng, được FTV chấp nhận và được mời lên tàu là… sẽ đổi đời. Và hậu trường của nó còn nhiều chuyện lùm xùm giữa các người mẫu nhiều hơn người ta tưởng.
ĐFS sau nhiều năm gây ấn tượng bởi nét đột phá biểu diễn thời trang kết hợp múa đương đại, ánh sáng và âm nhạc đúng đẳng cấp, đã chững lại. Sự cạn ý tưởng đã bắt đầu le lói từ năm 2006, khi một loạt chương trình thời trang “Đẳng cấp thời trang” hồi tháng 8-2006 gây sốc.
Chương trình “Đẳng cấp thời trang” do siêu mẫu Xuân Lan tổ chức đã từng gây phản ứng nhiều chiều của vấn đề đẳng cấp. Đẳng cấp, chuyên nghiệp hơn hay sàng lọc cấp độ A, B, C, D…?
Gần 2 năm trôi qua, sự “đẳng cấp” ấy vẫn chẳng nói lên được gì, sàn catwalk Việt, thậm chí cả giới người mẫu Việt vẫn giậm chân tại chỗ, không một chương trình thời trang có chất lượng và giới người mẫu vẫn chưa tìm thêm được gương mặt sáng giá nào.
Hơn 2 năm trước, giải thưởng Vietnam model (Người mẫu VN) được tổ chức rầm rộ để rồi đến giờ vẫn chìm nghỉm.
Phi tài trợ bất…thành show
Mới đây, chương trình ĐFS hiện rõ tên tuổi nhà tài trợ trong phần biểu diễn, cho thấy sức mạnh tài trợ uy quyền đến mức nào. Nhưng điều đó chỉ đúng ở ta, còn các sàn thời trang nổi tiếng phương Tây đó là chuyện PR cực kỳ khéo léo và khán giả có nằm mơ cũng không thấy logo giữa sân khấu.
Nhưng không có logo, không có tài trợ thì lấy đâu cho những bộ sưu tập thời trang có vốn để xuất hiện? Một chương trình tầm cỡ cũng tròm trèm 1 tỷ đồng, tài trợ đồng ý nhảy vào với điều kiện phải có logo trên sân khấu, nếu lắc đầu thì chỉ còn… thân ái chào nhau. Có nhà tài trợ lớn từng bảo rằng: “Thời trang Việt chưa đến đâu mà đã đòi chuyên nghiệp”.
Giám đốc Công ty P.L Thanh Hải bảo rằng: “Muốn chuyên nghiệp thì phải có tiền và không phải thỏa hiệp quá nhiều”… Tính chuyên nghiệp và sự thỏa hiệp chưa biết đến đâu, chỉ cần nhìn vào sàn catwalk Việt 2007 cũng đủ thấy sự nhàm chán và lặp đi lặp lại như một kịch bản buồn. Nội dung khá sơ sài vì có NTK đổi tên cho BST của mình 2 - 3 lần để dự nhiều show thời trang.
2008 đã gần qua 3 tháng nhưng những sàn diễn thời trang dường như vẫn đang nghỉ ngơi và tìm bước đột phá mới. Có thông tin kênh FTV sắp quay lại với những dự án tại VN, nhiều NTK đang muốn tổ chức những đêm thời trang có chất lượng, tạo ra một cú hích cho làng thời trang Việt.
Nhưng nhìn vào sàn catwalk, có vẻ những điều ấy vẫn chỉ mới nằm trên bản thảo. Catwalk Việt cần một điều gì đó lớn hơn những gì đã diễn ra và điều này phụ thuộc rất nhiều vào những gương mặt cá tính và những nhà tổ chức có tầm nhìn xa, xa đủ để thấy rằng thời trang Việt vẫn còn nhiều chuyện phải làm để khẳng định tiếng nói thật sự của mình.
CUNG TUY