Hãng tin Reuters cho biết, cơ quan lập pháp vùng Catalonia 135 ghế đã tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi. Kiến nghị độc lập đã được thông qua với tỷ lệ 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng.
Được biết các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Nhân dân (PP) cầm quyền và đảng Ciudadanos đã bày tỏ sự phản đối khi bỏ ra ngoài trước cuộc bỏ phiếu.
Những người ủng hộ Catalonia độc lập tụ tập bên ngoài Quốc hội Catalan ở Barcelona. Ảnh: CNN
Hành động này của cơ quan lập pháp Catalonia khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha càng thêm tồi tệ.
Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Catalonia là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của EU.
Tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalonia được đưa ra cùng thời điểm Thượng viện Tây Ban Nha đang nhóm họp để thông qua các biện pháp khẩn cấp được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp, nhằm áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với vùng Catalonia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoycho biết tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalonia là một "tội ác". Ảnh: CNN
Cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập của Catalonia ngày 1-10 đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ngày 17-10 tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Catalonia là vô giá trị.
Phát biểu ít phút khi cơ quan lập pháp Catalonia công bố kết quả cuộc bỏ phiếu gây tranh về kiến nghị tuyên bố độc lập, Thủ tướng Rajoy kêu gọi người dân Tây Ban Nha giữ bình tĩnh và cam kết chính quyền trung ương khôi phục các quy định luật pháp tại Catalonia và cho biết tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalonia là một "tội ác".
Ông khẳng định chính phủ Tây Ban Nha "sẽ có những quyết định thỏa đáng để khôi phục luật pháp" tại vùng đất này, đồng thời kêu gọi người dân cả nước bình tĩnh, đồng thời cam kết chính phủ sẽ ổn định tình hình bằng các biện pháp hiệu quả.
Ông khẳng định Tây Ban Nha là một quốc gia có uy thế và chính phủ sẽ không cho phép bất cứ thế lực nào hủy hoại tính nghiêm minh của Hiến pháp.
>> Video Người dân ở Barcelona ăn mừng sau kết quả bỏ phiếu tuyên bố độc lập
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 27-10 cũng đã tuyên bố ông đã giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21-12 tới trong một nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong 40 năm qua.
Theo đó chính quyền Madrid sẽ tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, công quỹ và đài phát thanh, truyền hình của vùng Catalonia cho đến khi vùng này tổ chức bầu cử. Đây được coi là nỗ lực của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm ổn định đất nước.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Thủ tướng Rajoy nói rằng ông cũng chính thức cách chức lãnh đạo Catalonia của Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo của ông này như một phần trong các biện pháp "khôi phục lại trạng thái bình thường" sau khi nghị viện của Catalonia trước đó cùng ngày đã bỏ phiếu đơn phương tuyên bố độc lập.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Rajoy nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng cần khẩn trương lắng nghe các công dân Catalonia, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể hành động ngoài vòng luật pháp nhân danh họ".
* Ngay sau khi Catalonia tuyên bố độc lập, ngày 28-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của vùng Catalonia, Tây Ban Nha và lên án tuyên bố độc lập đơn phương của Nghị viện vùng này.
Ông Tusk nhấn mạnh: “Với EU, không có gì thay đổi, Tây Ban Nha là đối tác duy nhất của chúng tôi”. Ông cũng kêu gọi Madrid ưu tiên đối thoại thay vì sử dụng vũ lực.
Trong một bình luận trên Twitter ngay sau khi Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, EU sẽ chỉ đối thoại với Tây Ban Nha. Ảnh: Twitter
Cùng ngày, một loạt nước khác cũng đã lên tiếng phản đối Catalonia tuyên bố độc lập.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Catalonia là một phần không thể tách rời Tây Ban Nha và Washington ủng hộ các biện pháp của chính quyền trung ương Madrid nhằm đảm bảo sự thống nhất đất nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Nguồn: hurriyetdailynews
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: "Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp trong khuôn khổ Hiến pháp của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm gìn giữ một đất nước thống nhất và vững mạnh".
Ngoài ra, quan chức ngoại giao Mỹ còn khẳng định Washington coi trọng tình hữu nghị và mối quan hệ đối tác lâu dài với Madrid, một quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
Trong khi đó, giới chức NATO khẳng định cuộc khủng hoảng hiện nay tại Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và nước này cần giải quyết vấn đề này theo quy định Hiến pháp.
Pháp, Anh, Italia và Đức cũng đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalonia vừa thông qua.
Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét.
Chính phủ Đức thì cho hay ủng hộ lập trường của Thủ tướng Tây Ban Nha trong quyết tâm bảo vệ hiến pháp nước này.
Người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ tuyên bố của Catalonia được đưa ra dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà Tòa án Tây Ban Nha đã tuyên bố là bất hợp pháp và rằng sự thống nhất của Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng.
Ngoài ra, một loạt các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.