Khu vực nhánh sông Thu Bồn chảy qua phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn vẫn là “điểm nóng” khai thác cát trái phép của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. Mặc dù UBND thị xã Điện Bàn đã công khai các số điện thoại “đường dây nóng” để người dân phản ánh, cung cấp thông tin nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đồng thời tăng cường tập trung kiểm tra khâu chấp hành của chủ bến bãi được cấp phép hoạt động, xử lý đóng cửa bến bãi không phép và chủ bến bãi không tuân thủ nghiêm các quy định, nhưng “cát tặc” vẫn lộng hành.
Theo ghi nhận, “cát tặc” thường lợi dụng thời điểm ban đêm, đồng thời luôn luôn thay đổi thời gian hoạt động gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, xử lý. Nhiều người dân địa phương cũng cho biết, mỗi đêm tàu cát hút trộm hàng trăm khối cát bán ra thị trường kiếm lời, trong khi ruộng vườn của bà con nông dân ở 2 bên bờ sông ngày càng sạt lở nghiêm trọng... Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua, người dân kêu cứu chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trên đây chỉ là một trong số hàng chục điểm khai thác cát trái phép trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn thời gian qua. Nạn “cát tặc” trên tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn đã làm hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp và nhà ở của người dân bị dòng nước cuốn trôi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, theo người dân nơi đây, một phần đến từ thiên tai lũ lụt, nhưng việc các ghe thả các ống dây hút cát gần sát bờ sông để khai thác cát ồ ạt, tràn lan ở sông Thu Bồn cũng góp phần không nhỏ gây sạt lở.
Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 12-2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 33 giấy phép khai thác cát, sỏi đang còn hiệu lực, chủ yếu tập trung ở sông Vu Gia – Thu Bồn, với tổng diện tích các khu vực được khai thác là gần 230ha. Thời điểm này có 4 trường hợp đang tạm dừng khai thác do người dân phản đối, không cho khai thác do lo ngại sạt lở, bồi lấp.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương, các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoảng sản nói chung, khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi nói riêng.
Chính quyền các địa phương đã “quyết liệt” thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó, Trạm kiểm soát liên ngành của thị xã Điện Bàn đặt tại Ngã Ba Vòm sông Thu Bồn thực hiện công tác chốt chặn 24/24h.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, chủ yếu trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Năm 2019, lực lượng liên ngành của địa phương này đã phát hiện, xử lý 20 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền 485 triệu đồng.
Ông Phan Hà, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, cát, sỏi là loại khoáng sản dễ khai thác và tiêu thụ, không cần đầu tư nhiều nhưng dễ mang lại lợi nhuận khi khai thác trái phép nên nhiều đối tượng cố tình vi phạm với có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng như khai thác vào ban đêm.
Mặt khác, các đối tượng khai thác trái phép ở địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, nên khi có hoạt động kiểm tra của địa phương này thì di chuyển phương tiện khai thác sang địa bàn bên kia nhằm tránh bị kiểm tra, xử lý. Đặc biệt, các đối tượng này còn tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, quản lý.
Theo người dân địa phương, các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép rất manh động và liều lĩnh. Nhiều đối tượng còn hăm dọa, chống trả khi bị kiểm tra, bắt giữ. Vì vậy, nếu không có lực lượng công an, thanh tra giao thông đi cùng và có phương tiện chuyên dụng kiểm tra thì rất khó tiếp cận và lập hồ sơ xử lý.