Theo UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay mực nước đầu nguồn và các trạm nội đồng trong tỉnh xuống rất nhanh, tình trạng xâm nhập mặn phức tạp, nguy cơ dẫn đến thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt rất cao. Để kịp thời và chủ động ứng phó với hạn mặn gay gắt, khó lường; đồng thời giữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt trong suốt mùa khô 2020. Vì vậy, việc đắp đập ngăn mặn ở đoạn từ Kênh Cụt đến rạch Tà Niên là rất cấp bách. Thời gian đắp đập từ giữa tháng 2 đến hết mùa khô, dự kiến tháng 5-2020. Quy mô đắp đập bằng cừ thép Larsen IV.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh, với cấp độ 1 rủi ro thiên tai do hạn mặn. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân biết tình trạng hạn mặn diễn biến phức tạp và kêu gọi sử dụng nước tiết kiệm; chủ động ứng phó với hạn mặn theo phương châm “4 tại chỗ”.
UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, xâm nhập mặn ở tỉnh năm nay sớm hơn, sâu hơn và độ mặn cao hơn dự báo; nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt nguy cơ thiếu hụt. Do đó, cần xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống hạn hán, thiếu nước, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại sản xuất có thể xảy ra.
Những ngày qua, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng các huyện, thành phố đã tiến hành đắp mới, gia cố khoảng 175 đập, với kinh phí khoảng 34,5 tỷ đồng, nhằm bảo vệ vụ lúa đông xuân, cây ăn trái, rau màu, đảm bảo nước ngọt sinh hoạt cho người dân…