Thế nhưng trong khi thủ tục “khai sinh” doanh nghiệp hiện nay thông thoáng, dễ dàng bao nhiêu thì khi “chào đời” rồi, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp lại bị hành lên hạ xuống, khổ sở vì o ép bấy nhiêu vì thứ được gọi là “điều kiện kinh doanh” và một rừng các quy định, thủ tục hành chính chồng chéo khác.
Thông thường hiện nay, một doanh nghiệp đang phải chịu sự quản lý của 2 - 3 thậm chí 4 - 5 bộ. Mà mỗi bộ lại có hàng trăm điều kiện để ràng buộc, quản lý doanh nghiệp thông qua các hình thức như nghị định, thông tư hướng dẫn, quy định, công văn... Theo thống kê, hàng năm ở nước ta có khoảng 10 bộ luật được thông qua, khoảng 100 nghị định được ban hành, và có đến 600 -700 thông tư được ra đời. Luật và nghị định thì ít thay đổi, nhưng thông tư thì thay đổi liên tục. Trong đó có nhiều văn bản hướng dẫn được coi là “giấy phép con”, thậm chí là “giấy phép cháu” cản trở doanh nghiệp. Đã vậy, nhiều quy định, thông tư, thậm chí cả luật lại chồng chéo nhau.
Theo con số thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, riêng ngành công thương có tới 700 lĩnh vực quy định điều kiện kinh doanh, trong ngành tài chính cũng có 490 điều kiện, trong ngành giao thông là 376 điều kiện. Các ngành khác như nông nghiệp - phát triển nông thôn, kế hoạch - đầu tư cũng có hàng trăm điều kiện đặt ra… Có những quy định vô lý trong ngành giao thông vận tải, ví dụ như Nghị định 86 yêu cầu nếu muốn kinh doanh taxi phải có tối thiểu 10 ô tô và nếu muốn hoạt động trong các đô thị đặc biệt thì phải có 50 xe. Điều đó có nghĩa một hãng taxi ra đời ở Hà Nội hoặc TPHCM phải có số tiền khoảng 10 tỷ đồng và phải có ít nhất 50 lái xe. Còn trong ngành nông nghiệp thì có những quy định kiểu như nếu muốn bán thuốc trừ sâu phải có diện tích tối thiểu là 10m2 trở lên. Vậy nếu họ muốn bán kiểu online thì sao? Trong ngành công thương có quy định muốn thành lập tổng đại lý kinh doanh khí gas phải có số lượng đại lý nhất định, một công nhân vận chuyển bình gas cần phải có 7 chứng chỉ…
Để cởi trói cho doanh nghiệp, trong năm 2017, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ phải cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. Đăng ký tiên phong cho lộ trình cắt giảm là Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Trong đó, Bộ Công thương đã lên phương án cắt giảm 675 trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh (giấy phép con) - tương đương trên 50%. Còn tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về danh mục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 18-4 ở Hà Nội, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết đã rà soát tổng thể và đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa 241 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 345 điều kiện, tương đương gần 70%. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng có quyết định cắt giảm hơn 67% quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải (gồm 384 điều kiện). Bộ KH-ĐT bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là các giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển lâu nay.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, phần lớn chỉ tiêu cắt giảm của các bộ hiện mới chỉ dừng ở mức độ cam kết hoặc phương án đặt ra, còn trên thực tế đang triển khai ì ạch, trong khi đã hết quý 1-2018. Có một số thủ tục đã được chỉnh sửa trong dự thảo nhưng các doanh nghiệp vẫn kêu rằng lại có một số thủ tục tiếp tục được tạo ra trở thành những rào cản khác, vô lý, khó hiểu. Và trong khi trông chờ các thủ tục, quy định được gỡ bỏ thì các doanh nghiệp vẫn đang ngày ngày tiếp tục bị hành bởi các loại giấy phép con được ban ra từ nhiều năm nay. Tình trạng “ngạt thở” tới mức tại chính hội thảo thu thập ý kiến doanh nghiệp về danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cần gỡ bỏ (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 18-4), chủ một doanh nghiệp của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch phải lên tiếng rằng, trong vòng 20 ngày qua, công ty của anh đã phải tiếp đến 7 đoàn thanh tra kiểm tra, còn trong 3 tháng qua là 20 đoàn thanh tra. Dù đã thành lập hẳn một bộ phận tiếp đón nhưng nhiều cán bộ thanh tra lại yêu cầu đích thân giám đốc phải có mặt.
Thật nghịch lý khi trên đường phố nhan nhản xe gắn máy chở heo đã mổ đi bán tại vỉa hè, chợ cóc thì không ai đến kiểm tra, kiểm nghiệm. Nhưng khi doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì lại bị hết đoàn kiểm tra này đến thanh tra nọ “hỏi thăm”. Như vậy, câu chuyện cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, các giấy phép con… sẽ vẫn chỉ là những phương án nằm trên giấy nếu các bộ không vào cuộc một cách rốt ráo, không xử lý nghiêm những trường hợp cố tình giữ giấy phép con để trục lợi, hành doanh nghiệp.