Bên sốt ruột, bên thờ ơ
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo trong những tuần gần đây cho thấy mức độ gia tăng nghiêm trọng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hãng tin AP dẫn lời Giám đốc khí hậu của LHQ Patricia Espinosa nói với các phóng viên rằng “Đây là hội nghị rất, rất quan trọng xét về tính khẩn cấp để chúng ta giải quyết các vấn đề của biến đổi khí hậu".
Các đại biểu cho biết, một trong những vấn đề khó khăn nhất là theo dõi khí phát thải của Mỹ từ khi nước này rút khỏi Hiệp định Paris về cắt giảm khí thải. 4 cựu chủ tịch của các cuộc đàm phán LHQ về khí hậu, trong đó có ông Laurent Fabius, đã ban hành tuyên bố chung thúc giục “hành động quyết định” về cắt giảm khí thải. Tuyên bố cho rằng thế giới đang ở ngã tư đường và hành động quyết định trong 2 năm tới sẽ rất quan trọng để giải quyết các mối đe dọa khẩn cấp.
Tuy nhiên, trái với lời kêu gọi này, nhiều nước đã tỏ ra thờ ơ ngay từ trước khi COP24 diễn ra. Brazil tuyên bố không tổ chức COP25 vào năm 2019. Tân Tổng thống cánh hữu Brazil Jair Bolsonaro cho rằng, không thể để cho việc bảo vệ môi trường ngăn cản sự phát triển của Brazil. Trong thời gian tranh cử, ông Jair Bolsonaro từng tuyên bố ủng hộ việc phát triển ngành nông phẩm và ngành khai thác mỏ ở vùng Amazon. Ông Jair Bolsonaro cũng đã dọa rút Brazil ra khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, nhưng sau đó đã đổi ý do bị chỉ trích nặng nề. Mỹ tiếp tục khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina cuối tuần qua rằng Washington không có ý định trở lại với Hiệp định Paris. Các thành viên khác của nhóm các quốc gia công nghiệp - bao gồm cả nước gây ô nhiễm lớn nhất là Trung Quốc, tái khẳng định cam kết của họ trong việc thực hiện Hiệp định Paris nhưng có tính đến hoàn cảnh quốc gia.
Tài trợ cho thích ứng khí hậu
Với Hiệp định Paris năm 2015, quốc tế cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ là 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học nhấn mạnh từ nay đến năm 2030 phải giảm 50% việc phát thải khí CO2 so với năm 2010. Các nước phát triển cam kết tài trợ 100 tỷ USD/năm từ nay đến 2020 cho chính sách khí hậu của các nước nghèo, nhưng nhiều nước đang phát triển đòi hỏi phải cụ thể hóa lời hứa. Hiện mức tài trợ này cũng đã tăng từ 48,5 tỷ USD năm 2016 lên 56,7 tỷ vào năm 2017, theo số liệu mới nhất của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Ngân hàng Thế giới (WB) vào ngày 3-12 đã công bố chi 200 tỷ USD đầu tư vào việc giảm khí thải gây biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, gấp đôi khoản tài trợ kỳ hạn 5 năm hiện tại. Ông John Roome, Giám đốc cấp cao của WB phụ trách biến đổi khí hậu, cảnh báo: “Nếu chúng ta không giảm phát thải và thiết lập sự thích nghi với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ có thêm 100 triệu người sống trong nghèo đói vào năm 2030”. Theo ông, số tiền tài trợ của WB sẽ tập trung ở 3 khu vực: châu Phi, Nam Á và Mỹ Latinh nơi có 133 triệu người bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Đây là lần đầu tiên WB nhấn mạnh sự cần thiết ngang nhau giữa tài trợ cho thích ứng khí hậu và tài trợ cắt giảm khí phát thải. Tổng giám đốc WB, bà Kristalina Georgieva, nói: “Do sự cấp thiết phải đối mặt với mực nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán, chúng ta phải chống lại các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cũng làm cho người dân thích nghi với những hậu quả của biến đổi khí hậu, nhất là những người nghèo nhất thế giới”. Theo ông Roome, thậm chí nếu chúng ta có thể kéo giảm nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2°C, chúng ta vẫn cần thích ứng đáng kể với khí hậu ở những nơi như Chad, Mozambique hoặc Bangladesh.