Cắt giảm các nhiệm vụ, các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp

Trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Cuối phiên họp chiều 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo và cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024, kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức hoạt động của KTNN trong năm 2024.

QC KT.jpg
Các thành viên UBTVQH dự họp

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng thẳng thắn chỉ rất rõ một số nhược điểm trong từng mảng công tác cụ thể của cơ quan kiểm toán.

Trong đó, so với nhiệm vụ xây dựng pháp luật năm 2024, 8 tháng đầu năm, KTNN mới ban hành được 21/62 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý thuộc thẩm quyền, đạt 32% kế hoạch.

Về tổ chức hoạt động kiểm toán, mặc dù việc triển khai kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024 đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt, nhưng so với kế hoạch đề ra thì số đoàn kiểm toán triển khai, kết thúc, xét duyệt báo cáo kiểm toán 8 tháng đầu năm còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (đến 30-8-2024 mới xét duyệt được 109 KHKT, bằng 63% kế hoạch đề ra).

Đặc biệt, với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng trong nhiệm vụ kiểm toán phòng, chống tham nhũng, KTNN mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đây là kết quả “chưa tương xứng”, theo cơ quan thẩm tra.

Về dự kiến KHKT năm 2025, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nhận định, dự kiến KHKT năm 2025 phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của UBTVQH ban hành chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

NGVT.jpg
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước dự họp

“Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức đại hội đảng các cấp; đồng thời nhiều địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ. Theo đó, đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng KHKT, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành để bảo đảm KHKT trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hiệu lực”, người đứng đầu cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Cụ thể, trong khi nhất trí với dự kiến KHKT năm 2025 của KTNN về lĩnh vực ngân sách nhà nước thì trong lĩnh vực kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, cắt giảm các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động chưa thật sự cần thiết, phạm vi hẹp, kết quả triển khai hạn chế để bổ sung, thay thế bằng các cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, cơ quan thẩm tra lưu ý, một số cuộc kiểm toán các dự án đầu tư nên chuyển lồng ghép trong kiểm toán ngân sách nhà nước tại các bộ, ngành và địa phương.

Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, đa số ý kiến đề nghị rà soát các cuộc kiểm toán để không trùng lặp với các kế hoạch kiểm tra, thanh tra, dành thời gian cho các doanh nghiệp tập trung tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực này, cần tập trung làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đối với các tổ chức tín dụng bổ sung kiểm toán đánh giá việc thực hiện các chính sách tiền tệ, khả năng và hiệu quả cung cấp vốn cho nền kinh tế và kiểm soát rủi ro tín dụng.

Tin cùng chuyên mục