1. Không còn bất cứ bóng dáng một cuốn băng cassette nào được bày bán tại hội chợ băng đĩa năm nay, bởi theo người đại diện của Công ty CP văn hóa Phương Nam, tất cả đã được “vét sạch” đến sản phẩm cuối cùng. Dù những cuốn băng cassette cũng có góc riêng để phục vụ công chúng từ năm 2009. Mức giá, theo thời thế cũng tụt dần từ 15.000 đồng, xuống 12.000 đồng, 10.000 đồng, 5.000 đồng và thậm chí, có thời điểm chạm đáy còn có 2.000 đồng. Đến nay đã là kỳ thứ 15, tất cả chỉ còn là dĩ vãng.
Điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi từ nhiều kỳ hội chợ trước, số băng cassette còn trong kho đều được bày bán để “giải phóng hàng tồn”, trong khi không có thêm bất cứ sản phẩm nào được sản xuất mới. Theo lẽ đương nhiên, khi CD ra đời và thay thế băng cassette, rồi nhạc số lấn át, sự mất tích ấy đã được dự báo từ trước. Đã có tiếng thở dài: “Băng cassette đã tuyệt chủng!”.
2. Thời huy hoàng của băng cassette diễn ra từ cách đây vài chục năm về trước, đi bất cứ nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những cuốn băng hình chữ nhật thuộc đủ thể loại, từ nhạc đỏ, nhạc nhẹ, cải lương, các loại hình âm nhạc truyền thống, nhạc nước ngoài... Những gia đình khá giả có điều kiện sắm những chiếc máy cassette thuộc loại xịn, cỡ Sony, Toshiba... Tiện dụng và nhỏ gọn hơn là những chiếc máy cassette cầm tay, chạy bằng pin, có thể mang đi mọi lúc mọi nơi. Cái tiếng rè rè, êm êm khi từng vòng quay của cuốn băng chạy đều, cho đến khi tiếng nhạc cất lên là cả tuổi thơ của nhiều người thuộc thế hệ 6X, 7X và đầu 8X, thậm chí là trước đó. Vừa nghe rồi tua đi tua lại bài mình thích, cảm giác đó thật khó diễn tả.
Tôi còn nhớ như in, đầu những năm 2000, khi bước chân vào giảng đường đại học, cassette vẫn là thứ giải trí rất phổ biến với cánh sinh viên ở ký túc xá. Trong mỗi căn phòng nhỏ, chẳng khó để bắt gặp vài chiếc máy cassette đủ loại khác nhau. Thời ấy, tất cả cùng chúi đầu để thưởng thức những ca khúc mình yêu thích. Mà thích rồi, muốn giữ làm kỷ niệm lại đi mua những cuốn băng trắng về in sao, cất cho riêng mình. Nhiều anh chàng đi tán tỉnh bạn gái cũng cầu kỳ mua băng trắng về thu âm, thu tiếng đủ chiêu trò để lấy lòng nàng.
Mà nào đâu chỉ trong ký túc xá hay những phòng trọ. Ngày đó, khi học tiếng Anh, đến phần nghe cũng đều dùng băng cassette trong giảng dạy. Lớp học báo chí phát thanh của chúng tôi, các sản phẩm hết môn cũng được thực hiện gói gọn trong những cuốn băng cassette. Vậy là, ngoài nghe nhạc, chiếc cassette còn gắn bó với cuộc sống sinh viên như vật bất ly thân trong học tập. Nhưng rồi, khi đĩa CD tràn vào, những chiếc máy cassette đó cũng dần bám bụi. Ngày chia tay giảng đường đại học, thằng bạn chung phòng ký túc xá để lại cho tôi chiếc máy cassette hiệu Sony thuộc loại xịn mà tôi hằng ao ước. Cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ nguyên chiếc máy ấy, cùng với vài cuốn băng, đôi khi nghe không còn rõ tiếng, vì mở đi mở lại nhiều lần, đã xước hết băng.
3. Trở lại với cảm giác hụt hẫng khi ghé hội chợ băng đĩa mà không còn bất kỳ cuốn băng cassette nào, tôi lục lại những cuốn băng của mấy mùa hội chợ trước, đó là những cuốn băng được tôi mua và cất làm kỷ niệm, thỉnh thoảng lấy ra nghe chơi. Những tình khúc của Trịnh Công Sơn, Lê Dung, nhạc hòa tấu, nhạc xuân, Làn sóng xanh... đủ cả. Nghe nhạc số mỗi ngày, giờ nghe lại băng cassette, âm thanh có gì đó ngồ ngộ, nhưng vẫn thân thuộc lắm.
Khi lên Google tìm kiếm với mong muốn thu thập được ít thông tin về những địa điểm hiếm hoi còn sót lại bán băng cassette, càng giật mình. Nhiều cuốn băng được giao bán với mức giá lên đến hàng trăm ngàn đồng, có lẽ vì giờ nó đã là hàng hiếm. Người chơi cassette giờ thuộc tuýp hoài cổ, theo dạng sưu tầm. Mà nào có phải dễ tìm mua. Như tôi, bao nhiêu năm nay muốn tìm lại cuốn băng Sơn ca số 7 của Trịnh Công Sơn nhưng vẫn chỉ là “bóng chim, tăm cá”.
Tình cờ trong lúc phỏng vấn nhóm nhạc độc lập Cá hồi hoang, thêm một lần giật mình vì trong album phòng thu thứ 2 phát hành năm 2016, nhóm cũng phát hành kèm 100 băng cassette. Lý do đơn giản là bởi trong CD có ca khúc cùng tên, nên một thành viên trong nhóm đã nảy ra ý định này. Nhưng từ ý tưởng đến hoàn thành là cả sự kỳ công. Ngày nay, ra một sản phẩm băng cassette vô cùng khó khăn, khi tất cả đều làm thủ công. 100 cuốn băng đó đã bán gần hết, chỉ còn đúng 3 sản phẩm. Có lẽ, trường hợp như Cá hồi hoang cũng thuộc diện độc, lạ.
Cassette thịnh rồi suy là quy luật tất yếu. Những gì còn lại giờ chỉ là ký ức và những hoài niệm về một thời vàng son đã qua của âm nhạc. Thôi thì giữa cái bận rộn, tấp nập, xô bồ của xã hội, đó cũng là một phần ký ức đẹp được lưu giữ.