Qua đó, người dân (nhất là dân nhập cư, lao động phổ thông, dân sống ở vùng có nhiều dự án “treo”) được nâng cao nhận thức, biết rõ hơn về kiến thức pháp luật, không vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng; nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để lại hậu quả nghiêm trọng.
Ngăn chặn sai phạm nhờ “group Zalo”
Cuối năm 2017, ông Hà Quảng Nhi, ngụ ấp 4, xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) đã hiến gần 1.000m2 đất cho nhà nước để làm bờ kè rạch Tư Biển. Thế nhưng, mới đây, hộ dân này tự ý đào phần đất đã hiến để xây trụ bê tông làm tường rào và chuồng nuôi súc vật.
Sự việc được một đảng viên là cán bộ hưu trí sống trong xã phát hiện, thông báo lên “group Zalo” của chi bộ ấp và Đảng ủy xã. Mặc dù lãnh đạo chính quyền, cán bộ địa chính xuống phân tích, vận động nhưng gia đình ông Nhi vẫn không khắc phục hậu quả, cho rằng phần đất đã hiến vẫn thuộc quyền sở hữu của mình.
Để tránh sự việc đi quá xa, Đảng ủy xã đã cử 1 cán bộ khối vận và 2 đảng viên là người sống lâu năm ở địa phương đến nói chuyện phải trái. “Cuối cùng, gia đình ông Nhi cũng hiểu ra, nhìn nhận việc làm của mình là không đúng và đã tự khắc phục phần công trình vi phạm”, Bí thư Đảng ủy xã Nhị Bình Nguyễn Thành Long chia sẻ.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Long, hộ ông Nhi là một trong số hàng chục trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn thời gian qua được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để phát sinh gây hậu quả nghiêm trọng nhờ mô hình “group Zalo - tăng giám sát, ngăn kịp thời” của Đảng ủy xã.
Hàng ngày, thông qua group Zalo, từng đảng viên trong chi bộ ấp, cán bộ mặt trận, đoàn thể sẽ báo cáo tình hình địa bàn mình theo dõi, được giao giám sát đến bí thư chi bộ, sau đó bí thư chi bộ sẽ thông báo vào group Zalo thường vụ Đảng ủy xã. Mô hình “group Zalo” đã phát huy tốt vai trò giám sát, ngăn chặn tiêu cực trong cán bộ xã.
Do đó, hầu hết các trường hợp vi phạm đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Số vụ vi phạm về đất đai, xây dựng ở xã Nhị Bình những năm qua giảm đáng kể. Nếu như năm 2017 có 21 trường hợp vi phạm thì năm 2018 giảm còn 5 trường hợp và 9 tháng đầu năm 2019 chỉ có 1 trường hợp vi phạm.
Trước tình hình xây dựng không phép, sai phép ngày càng diễn biến phức tạp, từ năm 2017, Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đưa vào triển khai mô hình “Mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên - giám sát viên”.
Theo đó, Đảng ủy xã giao trách nhiệm cho từng đảng viên, không chỉ đảng viên là cán bộ đang làm việc ở xã mà cả đảng viên làm việc ở nơi khác nhưng sinh hoạt ở địa phương, cũng có trách nhiệm tham gia giám sát, vận động.
Đảng viên nào không làm tốt công tác giám sát, vận động, để công trình xây dựng không phép, sai phép diễn ra ở địa bàn mình phụ trách, quanh khu vực mình sinh sống; không phát hiện, thông báo kịp thời công trình vi phạm đến cấp ủy sẽ không được đánh giá tốt trong nhận xét cuối năm.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B Nguyễn Thành Nhân cho biết, mô hình trên đã phát huy tốt vai trò giám sát của cấp ủy, qua đó nâng cao hiệu quả đáng kể trong quản lý trật tự xây dựng. Kết quả, số vụ vi phạm đất đai, xây dựng ở Vĩnh Lộc B những năm qua giảm mạnh. Cụ thể, năm 2016 giảm 74 vụ, năm 2017 giảm 127 vụ, năm 2018 giảm giảm 163 vụ.
Xử nghiêm đảng viên vi phạm
Theo đồng chí Nguyễn Thành Nhân, song song với việc nâng cao trách nhiệm của đảng viên, phát huy vai trò giám sát của cấp ủy, việc xử lý nghiêm các đảng viên vi phạm cũng được cấp ủy địa phương xác định là giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả trong quản lý đất đai, xây dựng.
Từ năm 2017 đến nay, Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B đã xử lý kỷ luật khiển trách 3 chi ủy chi bộ và 12 đảng viên; ngoài ra có 3 đảng viên bị xử lý cảnh cáo. Hầu hết các trường hợp bị xử lý kỷ luật là cán bộ, công chức đô thị, địa chính.
được cấp ủy địa phương phát hiện kịp thời, vận động chủ công trình tự tháo dỡ, khắc phục vi phạm
Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho biết, để nâng cao hiệu quả trong quản lý đất đai, xây dựng, Huyện ủy vừa yêu cầu Đảng ủy, UBND các xã trên địa bàn thực hiện nghiêm việc công khai quy hoạch cho người dân biết. Đặc biệt, tại các xã “nóng” về xây dựng như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Nhựt, Bình Hưng… xã phải in bản đồ quy hoạch, chú thích rõ mục đích sử dụng đất ở từng khu vực, vị trí và đặt ở trụ sở ban nhân dân ấp, các khu dự án “treo”, nơi xảy ra công trình xây dựng không phép trước đây (đã cưỡng chế)… Mục đích để người dân có đất trên địa bàn hiểu rõ pháp lý, tình trạng sử dụng đất, theo đó thực hiện đúng các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng. |
Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Nguyễn Cư cho biết, huyện đang chỉ đạo các ban Đảng trực thuộc, Đảng ủy các xã tiếp tục rà soát, tham mưu huyện ủy xử lý những trường hợp vi phạm, mạnh dạn đề xuất luân chuyển lãnh đạo, cán bộ có dấu hiệu vi phạm, lãnh đạo để địa bàn phát sinh vi phạm mới, chậm khắc phục tồn tại.
“Huyện xác định đây là giải pháp then chốt và sẽ thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả trong quản lý đất đai, xây dựng”, đồng chí Nguyễn Cư khẳng định.
Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Trương Văn Thống nhìn nhận, thời gian qua, dù cấp ủy - chính quyền địa phương rất nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự xây dựng, kéo giảm sai phạm đất đai, song kết quả chưa đạt như mong muốn, vi phạm vẫn còn diễn ra, thậm chí có lúc có nơi còn diễn biến phức tạp.
Dẫn đến thực tế này, theo đồng chí Trương Văn Thống, nguyên nhân chính yếu vẫn là con người, cụ thể ở đây là cán bộ, công chức địa phương.
“Nếu cán bộ phòng ban, chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, công chức làm tròn nhiệm vụ được giao, chắc chắn vi phạm không diễn ra. Trường hợp vi phạm có phát sinh cũng sẽ được phát hiện, chặn đứng kịp thời. Nói vậy để thấy rằng, để vi phạm đất đai, xây dựng phát sinh, tồn tại, trách nhiệm của cán bộ địa phương rất lớn”, đồng chí Trương Văn Thống nêu thực tế; đồng thời cho biết để khắc phục hạn chế này, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn giữ vững quan điểm phải cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm; đặc biệt đối với cán bộ là đảng viên có dấu hiệu bao che, tiếp tay để vi phạm xây dựng, đất đai phát sinh, tồn tại thì phải cách chức, thậm chí cho nghỉ việc.
“Trường hợp cấp trên thấy cấp dưới vi phạm nhưng không xử lý, hoặc xử lý du di cũng sẽ bị xử lý nghiêm”, đồng chí Trương Văn Thống kiên quyết.
Để ngăn chặn công trình xây dựng vi phạm phát sinh, Huyện ủy huyện Củ Chi yêu cầu các phòng ban, chính quyền cấp xã tuyệt đối không cấp chứng nhận tạm trú, số nhà, không cung cấp điện nước và dịch vụ khác đối với các công trình vi phạm. Xã, thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép, trái phép thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận trong sạch vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Huyện ủy Củ Chi sẽ bố trí lại cán bộ, công chức xã, thị trấn, phòng ban có nhiều sai phạm, uy tín thấp. |