Vaccine Covid-19 của Việt Nam là Nanocovax của Công ty Nanogen đã báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với những kết quả khả quan. Cùng với đó, Việt Nam cũng tiến hành sản xuất thử nghiệm vaccine Covid-19 theo công nghệ của Nga; một số quốc gia như Mỹ, Cuba, Ấn Độ đã cam kết sẽ chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 cho Việt Nam… Đó là những tín hiệu đáng mừng đối với chiến lược quốc gia về vaccine Covid-19 của Việt Nam. Thế nhưng, khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bệnh từ nhẹ đến nặng vẫn tiếp tục tăng hàng ngày, thì vấn đề thuốc điều trị Covid-19 đã trở nên bức thiết, không kém gì vaccine.
Cuối tuần qua, lô hàng đầu tiên trong gói hỗ trợ 500.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 do một doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đã về Việt Nam. Remdesivir là thuốc đặc trị dùng cho bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng và khoảng 50 quốc gia đã đưa vào phác đồ điều trị.
Đây là loại thuốc rất khan hiếm, khó tiếp cận trên toàn thế giới. 500.000 lọ Remdesivir có khả năng hỗ trợ điều trị 80.000 - 100.000 bệnh nhân Covid-19. Lượng thuốc quan trọng này sẽ tiếp tục về Việt Nam trong tháng 8, cùng thời điểm Ấn Độ sẵn sàng cung cấp thêm cho Việt Nam 1 triệu liều Remdesivir. Đây là tín hiệu hết sức tích cực đối với việc điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam hiện nay. Bộ Y tế đã đưa Remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19 và những bệnh nhân ở TPHCM đã bắt đầu được sử dụng loại thuốc đặc trị này.
Cùng với các loại vaccine, hiện nay, những cường quốc y dược như Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ấn Độ… đều đang nỗ lực trong việc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19. Việt Nam cũng đã xác định quyết tâm nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine và thuốc điều trị Covid-19 nội địa. Chính phủ đã giao Bộ KH-CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế và thúc đẩy việc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19; đồng thời cũng giao Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu sản xuất sinh phẩm, thuốc điều trị Covid-19 phục vụ phòng chống dịch. Như vậy, cùng vaccine, vấn đề thuốc điều trị Covid-19 đang được ưu tiên, thúc đẩy nhanh hơn. Bởi, vaccine sẽ tạo miễn dịch, phòng ngừa bệnh, nhưng khi đã nhiễm bệnh, nhất thiết phải có thuốc điều trị.
Một tín hiệu đáng mừng, mới đây, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Favipiravir là một loại thuốc kháng virus đã được cấp phép tại Nhật Bản từ năm 2014 để điều trị bệnh cúm. Trên thế giới, hiện Favipiravir đang được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị Covid-19 đến pha 3, hiệu quả tới 97%. Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự Remdesivir, nhưng được sử dụng uống và chống virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Italy, Nhật Bản, Nga và một số nước khác trong quá trình điều trị Covid-19. Các công bố nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc tổng hợp loại thuốc này cần qua 7 - 8 bước phản ứng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học bước đầu đã cải tiến, rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc, chỉ qua 3 bước phản ứng, từ nguyên liệu có sẵn trong nước. Nhờ vậy, nếu sản xuất đại trà, giá thành sản phẩm sẽ thấp hơn, phù hợp điều kiện Việt Nam. Với những kết quả khả quan ban đầu, các nhà khoa học của Viện Hóa học đang tiếp tục hoàn thiện và nâng quy mô quy trình tổng hợp loại thuốc này.
Một chiến lược quyết liệt, cấp tốc và hiệu quả về thuốc điều trị, song song với chiến lược vaccine Covid-19 là điều rất cần thiết lúc này. Với việc xuất hiện nhiều loại biến thể mới có khả năng kháng vaccine, thuốc chống virus, đặc trị Covid-19 là yếu tố quan trọng hàng đầu trong “cuộc chiến” đẩy lùi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.