Thiếu người học, người làm
Theo Sở Y tế TPHCM, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công của thành phố là 1,86, và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2. Trong khi đó, để đảm bảo chăm sóc tốt người bệnh, tỷ lệ đạt yêu cầu phải là 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. “Thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là một thực trạng rất đáng lo ngại. Hơn 1 năm qua, việc tuyển mới gặp khó, trong khi số người liên quan tới lĩnh vực này nghỉ, bỏ việc tại các bệnh viện công lên tới trên 2.000 người”, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho hay.
Đáng báo động là tỷ lệ tuyển sinh ngành điều dưỡng, hộ sinh ở các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cũng giảm mạnh. Đơn cử, tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu như năm 2021 có 2.300 thí sinh nộp đơn đăng ký học điều dưỡng, hộ sinh, thì năm 2022 chỉ có gần 800 thí sinh đăng ký xét tuyển. Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM cũng không khá hơn, khi đơn vị này có chỉ tiêu tuyển 200 thí sinh ngành điều dưỡng nhưng hiện tại mới đạt gần 60% chỉ tiêu. Ở hệ thống trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo khối ngành sức khỏe, hết tháng 9-2022 có trường mới tuyển được 20% chỉ tiêu, trường nào may mắn hơn thì đạt trên 60% chỉ tiêu.
TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, nêu thực tế: Cả nước có 193 trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo khối ngành sức khỏe, số tốt nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trên 10.000 người. Việt Nam cũng đang là nước xuất khẩu hàng ngàn điều dưỡng, hộ sinh sang nhiều nước khác, thế nhưng bệnh viện công trong nước không tuyển dụng được. Theo TS Lê Lâm, lỗi không do người học và cơ sở đào tạo, mà là do cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ... chưa tốt.
Ở góc độ chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn chỉ rõ: Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là nguyên nhân chính làm cho người học bỏ cuộc. Bởi theo thông tư này, từ ngày 1-1-2021, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y hạng IV đều phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên… Quy định này khiến nhiều trường cao đẳng, trung cấp đang đào tạo 3 ngành trên ở trình độ trung cấp bị ảnh hưởng nặng nề đến việc tuyển sinh. Kéo theo đó là hàng loạt nhân viên y tế có trình độ trung cấp đổ xô đi học liên thông lên cao đẳng để chuẩn hóa trình độ theo yêu cầu của thông tư. “Nếu không có giải pháp kịp thời, toàn diện, đặc biệt phải sửa đổi hoặc bỏ Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV vì không phù hợp với thực tiễn, thì tình hình nhân sự cho ngành y tế sẽ còn đáng lo ngại hơn”, ông Trần Anh Tuấn góp ý.
Muộn còn hơn không
Th.S-Điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng điều dưỡng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, chỉ riêng Khoa Cấp cứu và Khu Hồi sức cấp cứu - Chống độc người lớn của bệnh viện hiện thiếu điều dưỡng rất nghiêm trọng. Nhiều ca kíp trực 4-6 điều dưỡng, có hôm phải chăm sóc cho 30 người bệnh nặng. Ai cũng mệt mỏi, đuối sức… Theo Th.S-Điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc đã đến lúc phải nhìn nhận đầy đủ về vai trò, chức năng của điều dưỡng, hộ sinh trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, giữ chân điều dưỡng. Chỉ khi đồng lương và thu nhập đảm bảo đời sống thì điều dưỡng, hộ sinh mới có thể an tâm công tác, học sinh mới dám thi và học ngành điều dưỡng.
Th.S-Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Hồng, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cũng thông tin: “Khoa đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện là Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hiện có 66 giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải. Là khoa đặc thù, áp lực công việc rất lớn, phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng 60 điều dưỡng của khoa gần như 24/7 phải căng mình cho công việc cấp cứu, hồi sức, ít có thời gian hồi phục. Có người công tác hơn 10 năm tại khoa, không chịu được áp lực đành chấp nhận nghỉ, bỏ việc”.
Trước tình hình thiếu nhân lực điều dưỡng, kỹ thuật y do nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm (theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND) cho tất cả điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y hiện đang công tác tại các bệnh viện công, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn. Đồng thời, sở kiến nghị UBND TPHCM có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1-1-2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31-12-2030.
Theo bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), đây là hướng mở, chậm còn hơn không, giúp các bệnh viện phần nào tháo gỡ việc thiếu hụt nhân lực. Bởi thực tế, hiện bệnh viện chỉ cần 30%-40% điều dưỡng, hộ sinh có trình độ cao đẳng, đại học để làm công tác quản lý. Số còn lại chủ yếu chăm sóc người bệnh nên không cần trình độ cao.
“Bộ Y tế cần tháo gỡ và cho thêm chỉ tiêu chức danh trợ lý điều dưỡng. Loại hình này giao cho các bệnh viện từ hạng 2 trở lên đào tạo để phục vụ nhu cầu của bệnh viện. Riêng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ đại học, cao đẳng do các trường đào tạo”, bác sĩ CKII Trần Văn Khanh đề xuất.