Xuống cấp
Dạo quanh một vòng những tượng đài nằm ở khu vực quận 3, 5, 10…, dễ dàng nhận thấy nhiều tượng đài đang có dấu hiệu xuống cấp, nhếch nhác, xuất hiện nhiều vết nứt, vỡ.
Tượng đài An Dương Vương tại vòng xoay ngã sáu đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh, tiếp giáp quận 5 và quận 10, xuống cấp nghiêm trọng. Xung quanh tượng, từ chân lên đến đỉnh tượng có nhiều vết nứt, bong tróc, cây xanh mọc lên từ khe nứt và ngày càng lớn dần, trông rất nguy hiểm.
Bà Trần Thị Lý (53 tuổi), sống ở đường Ngô Gia Tự, quận 10, cho biết: “Tượng đài An Dương Vương xuống cấp từ lâu nay, xuất hiện nhiều điểm nứt vỡ. Mong chính quyền thành phố có chủ trương tu bổ tượng đài sạch đẹp và an toàn hơn”.
Tương tự, tượng đài Phan Đình Phùng nằm ở vòng xoay Bưu điện Chợ Lớn, quận 5 cũng rơi vào tình trạng xuống cấp, cũ kỹ. Dưới chân của tượng đài xuất hiện nhiều rác thải, gây mất mỹ quan đô thị. Tượng đài Lê Văn Tám (nằm trong công viên Lê Văn Tám, quận 1) cũng xuất hiện nhiều điểm nứt vỡ, ố màu.
Hiện nay, với một số tượng đài được xây dựng từ trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép là chất liệu không bền vững, đến nay đã xuống cấp cần được tu sửa để đảm bảo an toàn như: tượng đài Phù Đổng Thiên Vương (tượng đài Thánh Gióng) quận 1; tượng đài Công nhân (tiếp giáp quận 3 và quận 10).
Anh Võ Tín (45 tuổi), ngụ đường Hồng Bàng, quận 5, cho rằng: “Việc xây mới tượng đài tốn rất nhiều chi phí, ngân sách của nhà nước. Do vậy, tôi nghĩ đối với các tượng đài trên địa bàn TPHCM, chính quyền địa phương cần quan tâm tu bổ thường xuyên, vừa an toàn vừa tiết kiệm”.
Chậm tu sửa, tôn tạo
Trước tình trạng xuống cấp của các tượng đài trên địa bàn thành phố, đầu năm 2019, Sở VH-TT TPHCM đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo, tượng đài Thánh Gióng và đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương. Cụ thể, UBND TPHCM giao UBND quận 1 thực hiện việc tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có tượng đài Trần Hưng Đạo đang trong quá trình tu sửa, tôn tạo; còn tượng đài Thánh Gióng vẫn như cũ.
Qua rà soát và khảo sát thực tế, đầu tháng 12-2019, Sở VH-TT TPHCM có công văn gửi UBND TPHCM về quản lý, tu sửa, tôn tạo tượng đài An Dương Vương và tượng đài Công nhân. Sau đó, ngày 19-12-2019, UBND TPHCM thống nhất với đề xuất của sở, giao UBND quận 5 thực hiện quản lý, tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài An Dương Vương theo đúng quy định; UBND quận 10 thực hiện quản lý, tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Công nhân. Thế nhưng, đến nay việc tu sửa, tôn tạo 2 tượng đài này vẫn chưa được các cấp chính quyền triển khai, trong khi tượng đài đang ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Ở góc độ chuyên gia, NGND Huỳnh Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho rằng: TPHCM cần quan tâm đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa công cộng. Về tượng đài, có 2 phần là tượng đài Sài Gòn xưa và tượng đài mới. Trong đó, tượng đài mới trên địa bàn thành phố khá tốt, nhưng có tượng đài Nam Kỳ Khởi Nghĩa và tượng đài Thống Nhất đã được đề cập, bàn nhiều, nhưng chưa được thành phố triển khai xây dựng. Đối với tượng đài Sài Gòn xưa để lại, có ưu điểm là tôn vinh các danh nhân như Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi, Phan Đình Phùng…, nhưng do các tượng đài này xây dựng trong thời gian ngắn nên tuổi thọ ngắn, xuống cấp.
Theo NGND Huỳnh Văn Mười, để triển khai việc này, UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM cần có chủ trương và lấy vấn đề này làm đề thi cho sinh viên thi tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật. “Tượng đài là phương tiện giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc suốt cả 4.000 năm, chứ không phải một giai đoạn. Do đó, cần phải sửa chữa những cái gì ngày xưa làm chưa tốt, nghiên cứu làm lại một cách nghiêm túc, trọn vẹn”, NGND Huỳnh Văn Mười nhấn mạnh.