Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo một trong 4 phương án.
Trong đó, phương án 1, DN tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp”. Phương án 2, DN tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc phương án “1 cung đường 2 điểm đến” mở rộng; cho phép DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc. Phương án 3, DN tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
Trong đó, “người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh” và “nơi ở xanh” theo “một cung đường xanh”. Phương án 4, DN có thể kết hợp các phương thức tại các phương án nêu trên.
Theo các DN, trong số 4 phương án nêu trên thì phương án 2 và 3 có thể phù hợp cho nhiều DN. Tuy nhiên, theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể từ cơ quan chức năng và các quận huyện nên DN vẫn phải chờ. Ví dụ yêu cầu công nhân phải đi làm qua “cung đường xanh”, song đó là những con đường nào hoặc công nhân lưu trú ở “vùng xanh” là họ đến lưu trú tập trung tại một nơi an toàn hay được về nhà trong những “vùng xanh”; ai thẩm định cho việc đó...
Góp ý với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, UBND thành phố kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý 1-2022 và có thể đến hết tháng 6-2022. Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, UBND TPHCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021; riêng các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%. Đặc biệt, UBND TPHCM kiến nghị cho phép DN được khấu trừ chi phí phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.
Bình luận về các giải pháp tổng thể hỗ trợ của UBND TPHCM, một số DN cho rằng, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, hơn lúc nào các DN rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Vấn đề DN cần hiện nay không chỉ dừng lại ở việc giảm giá điện, hỗ trợ các chi phí phát sinh, quan trọng hơn cả là họ cần được tiêm vaccine đầy đủ, cần chính sách linh hoạt và tiêu chí cụ thể về một mô hình hoạt động an toàn, trên cơ sở đó họ sẽ triển khai sản xuất phù hợp và tự chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng.
Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, kể từ khi dịch bùng phát, hệ thống bán lẻ này đã cố gắng hết sức, thậm chí bù lỗ để giữ và giảm giá nhằm hỗ trợ người dân mua sắm. Dù trong thời gian qua, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt, ….
Tương tự, tại nhiều DN bán lẻ khác, việc khách hàng dồn vào siêu thị trong những tháng qua không kéo giảm được mức lỗ do doanh thu sụt giảm từ nhiều mảng kinh doanh bị gián đoạn. Chẳng hạn, tại MM Mega Market, doanh thu chính là từ bán sỉ hàng hóa cho các đối tác là nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể thì nay, do dịch bệnh hoành hành, đơn vị này đã mất đi nguồn thu này, trong khi bộ máy kinh doanh vẫn phải duy trì.
Trong lĩnh vực sản xuất, nhiều DN cung ứng thực phẩm đang đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn do thiếu nhân lực. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TPHCM) cho hay, gần 2 tháng triển khai mô hình “3 tại chỗ” đã phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nếu bỏ qua các chi phí “đội” lên rất cao thì điều khiến ông lo lắng nhất, đó là người lao động đang rời bỏ DN vì áp lực tâm lý. Hiện đã có khoảng 20% số lao động tại DN này đã nghỉ việc. Nếu kéo dài mô hình này sẽ có thêm nhiều lao động xin nghỉ, nguy cơ sản xuất bị gián đoạn.
Trên thực tế, nếu hiện nay DN ngưng sản xuất, các đối tác buộc phải dịch chuyển đơn hàng sang các DN thuộc các nước lân cận, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia đang nỗ lực và có tốc độ phục hồi kinh tế rất cao, ở mức khoảng trên 17%. Một khi những đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển khỏi Việt Nam thì khả năng quay trở lại là rất thấp.
Trường hợp Công ty Nidec Sankyo đang hoạt động tại Khu công nghệ cao TPHCM là một điển hình. Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, để đảm bảo quy định phòng dịch và sản xuất “3 tại chỗ”, công ty này đã buộc phải giảm số lượng công nhân làm việc từ trên 3.000 công nhân xuống còn 400 công nhân. Với lượng công nhân này, công ty đã phải cắt giảm tối đa công suất sản xuất và chỉ duy trì quy mô sản xuất nhỏ nhằm đáp ứng kịp thời gian giao hàng cho những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết, tránh nguy cơ bị phạt và bồi thường hợp đồng. Thế nhưng, những rủi ro phát sinh dịch bệnh từ những công nhân còn lại vẫn rất khó ngăn chặn. Hiện tại, công ty đã phát hiện có thêm 2 ca F0 trong số công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” và đứng trước nguy cơ phải buộc ngừng hoạt động. Trong khi đó, nếu không sản xuất, công ty vừa phải bồi thường hợp đồng đã ký trước đó vừa có nguy cơ mất khách hàng do đối tác dịch chuyển đơn đặt hàng sang các doanh nghiệp của Thái Lan và Trung Quốc.
Công ty TNHH Sài Gòn STEC (hoạt động trong lĩnh sản xuất các loại linh kiện điện tử, camera module ứng dụng công nghệ cao, trụ sở tại KCN VSIP 2) là một trong những DN có 100% vốn nước ngoài lớn ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư 340 triệu USD và hơn 6.000 lao động, cũng đang trong giai đoạn chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch Covid-19. Theo đại diện Công ty, từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, doanh nghiệp đã triển khai “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” nhưng đến ngày 23-7-2021 đã phải dừng do có ca mắc Covid-19 trong nhà máy và phải đến ngày 10-8 mới có thể sản xuất trở lại theo phương án mới nhưng chỉ với khoảng hơn 2.000 lao động tham gia. Lãnh đạo đơn vị đang rất lo lắng bởi công ty thực hiện 1 công đoạn sản phẩm trong một chuỗi công đoạn cùng các nhà cung cấp sản phẩm hỗ trợ khác tại 5 quốc gia - là một dây chuyền thông suốt trước khi ra thành phẩm cuối cùng. Do đó, nếu tình hình không được cải thiện thì công ty sẽ có nguy cơ mất đơn hàng hoặc doanh nghiệp phải thực hiện dịch chuyển sản xuất.
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, theo Ban quản lý các KCN tỉnh, tính đến ngày 19-8, đã có tổng cộng 86 doanh nghiệp với hơn 21.000 lao động tại các KCN ngưng hoạt động cho đến khi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó tập trung nhiều nhất ở KCN Đông Xuyên (TP Vũng Tàu) có 39/87 doanh nghiệp còn lại các KCN khác có từ 1 - 5 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp không sắp xếp thực hiện được phương án “3 tại chỗ” hoặc không bố trí được chỗ ở tập trung để thực hiện phương án “1 cung đường – 2 điểm đến” cho người lao động. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định giãn cách, phòng chống dịch ở mỗi địa phương khác nhau dẫn đến chuỗi cung ứng logistics, vận tải gặp khó khăn, khiến nguồn nguyên liệu sản xuất bị thiếu hụt dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
Còn tại miền Tây Nam bộ, theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này khiến hoạt động sản xuất của đa phần doanh nghiệp ĐBSCL suy giảm rõ rệt. Cụ thể, tổng doanh thu của quý II-2021 giảm 40%, lượng đơn đặt hàng mới giảm 41% so với quý I-2021…