UBND TPHCM yêu cầu duy trì, ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy; nâng tỉ lệ khoảng 5-10% doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo một trong 4 phương án.
Trong đó, phương án 1, DN tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp”. Phương án 2, DN tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc phương án “1 cung đường 2 điểm đến” mở rộng; cho phép DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc. Phương án 3, DN tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
Trong đó, “người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh” và “nơi ở xanh” theo “một cung đường xanh”. Phương án 4, DN có thể kết hợp các phương thức tại các phương án nêu trên.
Theo các DN, trong số 4 phương án nêu trên thì phương án 2 và 3 có thể phù hợp cho nhiều DN. Tuy nhiên, theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể từ cơ quan chức năng và các quận huyện nên DN vẫn phải chờ. Ví dụ yêu cầu công nhân phải đi làm qua “cung đường xanh”, song đó là những con đường nào hoặc công nhân lưu trú ở “vùng xanh” là họ đến lưu trú tập trung tại một nơi an toàn hay được về nhà trong những “vùng xanh”; ai thẩm định cho việc đó...
Theo Tổng Cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, có gần 80.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất tháng 7-2021 so với cùng kỳ của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để phòng chống dịch Covid-19 cũng trên đà giảm mạnh. Trong đó, TPHCM giảm mạnh nhất 19,4%. Kế đến là Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%.. Các tỉnh, thành còn lại đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Tuy nhiên, với diễn biến bệnh còn phức tạp dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong những tháng tới. |
Kiến nghị nhiều giải pháp trợ lực
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, với 4 giải pháp mà UBND thành phố vừa đưa ra, nhiều DN hội viên đang nghiên cứu một cách cẩn trọng. Thực tế hiện nay, hầu hết các DN đã chủ động điều chỉnh lại mô hình sản xuất cho phù hợp trên cơ sở vẫn duy trì “3 tại chỗ”. Một số DN khác đang cân nhắc chuyển sang phương án “4 xanh”. Tuy nhiên, “cung đường xanh” và “nơi ở xanh” không nằm ở sự quyết định của DN mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt từ chính quyền địa phương. DN cũng mong mỏi thành phố tăng độ phủ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho lực lượng lao động, đồng thời các DN đang rất cần sự triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ DN về công tác y tế, xét nghiệm, lưu thông, vận chuyển, nhân lực từ chính quyền thành phố để sản xuất và lưu thông được thông suốt.
Để gỡ khó cho DN, UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân đối với các khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vaccine…Về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DN, UBND TPHCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp. Trong đó, phân loại DN thành 3 nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tình trạng hoạt động của DN: DN đã giải thể, phá sản; DN đang tạm ngừng hoạt động; DN đang hoạt động.
Góp ý với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, UBND thành phố kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý 1-2022 và có thể đến hết tháng 6-2022. Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, UBND TPHCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021; riêng các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%. Đặc biệt, UBND TPHCM kiến nghị cho phép DN được khấu trừ chi phí phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.
Bình luận về các giải pháp tổng thể hỗ trợ của UBND TPHCM, một số DN cho rằng, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, hơn lúc nào các DN rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Vấn đề DN cần hiện nay không chỉ dừng lại ở việc giảm giá điện, hỗ trợ các chi phí phát sinh, quan trọng hơn cả là họ cần được tiêm vaccine đầy đủ, cần chính sách linh hoạt và tiêu chí cụ thể về một mô hình hoạt động an toàn, trên cơ sở đó họ sẽ triển khai sản xuất phù hợp và tự chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng.
4 nhóm giải pháp |