Mới đây nhất là vụ giáo viên “lên lớp suốt 4 tháng chỉ chép bài lên bảng, không nói lời nào với học sinh” vì bị một học sinh trong lớp đe dọa quay phim tung clip lên mạng. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ hành hung, xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo khiến dư luận bức xúc. Ở chiều ngược lại, một bộ phận thầy, cô giáo đang chọn cách “cự tuyệt giao tiếp” với học sinh để tránh phiền phức cho bản thân. Phải chăng mối quan hệ thầy - trò, nhà trường - gia đình đang dần thay đổi, làm xấu đi hình ảnh “tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc?
Có thể thấy qua từng sự việc, người làm sai sẽ phải nhận trách nhiệm, chịu các hình thức xử lý của ngành và tòa án lương tâm trước xã hội. Tuy nhiên, điểm chung của tất cả vụ việc là người giáo viên khi lên lớp đã không ý thức đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của mình. Ngoài trách nhiệm truyền thụ tri thức, giáo viên còn phải phối hợp với gia đình giáo dục nhân cách, tư tưởng, tình cảm cho học sinh. Yêu cầu “học lễ” và “học văn” nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của người học, nhưng dù ở bậc học nào, giáo viên phải thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm nêu gương của mình.
Khi gặp các vấn đề mâu thuẫn với học sinh, thầy cô giáo phải chủ động tìm hiểu, giải tỏa khúc mắc, không chờ đến khi chính các em hoặc phụ huynh có hành động bộc phát mới cầu cứu cơ quan chức năng. Chúng ta có thể thông cảm hành động quỳ gối trước mặt phụ huynh của hai cô giáo, một người vì sợ mất việc làm, người kia sợ không bảo vệ được đứa con trong bụng, nhưng nếu các cô giáo nhận thức đầy đủ hơn về quyền hạn của mình, bình tĩnh yêu cầu lực lượng bảo vệ, ban giám hiệu hoặc đồng nghiệp trong trường can thiệp sẽ không xảy ra những việc đáng buồn đó. Riêng trường hợp cô giáo ở Nhà Bè không nói gì suốt 4 tháng vì lời hăm dọa của học sinh đã chứng tỏ cô quá thiếu kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, bất lực khi giải quyết căng thẳng với học sinh nên chọn cách im lặng như một hình thức trốn tránh. Hiện nay, chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm đều có học phần rèn luyện kỹ năng sư phạm. Tuy nhiên, kiến thức chủ yếu chỉ được truyền thụ chay, không có môi trường cọ xát, rèn luyện trong thực tế nên khó trở thành kỹ năng đối với giáo viên.
Ở góc độ khác, ảnh hưởng từ nền kinh tế thị trường đã khiến một bộ phận không nhỏ phụ huynh có suy nghĩ bỏ tiền ra đóng học phí cho con đi học thì phải đáng đồng tiền, bát gạo, có quyền đòi hỏi này nọ, dẫn đến việc thiếu tôn trọng giáo viên. Thêm vào đó, chương trình học hiện nay chưa trang bị đầy đủ cho học sinh các kỹ năng ứng xử cần thiết nên khi có mâu thuẫn với giáo viên, các em thường loay hoay không biết cách xử lý phù hợp. Thay vì tìm đến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tâm lý hoặc ban giám hiệu để tìm sự tư vấn, giúp đỡ, các em lại chọn cách cầu cứu ba mẹ hoặc tự mình giải quyết mâu thuẫn theo hướng tiêu cực, khiến mâu thuẫn càng bị đẩy xa hơn.
Trước thực tế đó, để chấn chỉnh vấn đề an ninh trong trường học, ngoài việc ban hành các văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh việc tổ chức các quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ GD-ĐT nên quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giáo dục kỹ năng giải quyết mâu thuẫn đối với cả giáo viên lẫn học sinh. Trong đó, cần có thêm các quy định cụ thể về chế tài xử lý người vi phạm, cũng như quyền hạn, trách nhiệm của từng chủ thể trong nhà trường. Chỉ khi làm được tất cả điều đó mới trả lại sự an toàn cho môi trường giáo dục, đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho tất cả thành viên.