Cấp thiết thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM

Tại Việt Nam, rất thiếu những khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ứng dụng công nghệ cao. Điều này đặt Việt Nam trước nguy cơ mất cơ hội đón doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “đại bàng”.

Do vậy, việc phát triển khu CNHT trên tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là rất cấp thiết. Tuy nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào khu CNHT này, TPHCM phải đáp ứng 3 tiêu chí là giá thuê đất phù hợp, đầu tư minh bạch và hệ thống cung ứng hỗ trợ sẵn sàng. 

Giá thuê, diện tích mặt bằng hợp lý

Nhìn nhận từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang là điểm đến được lựa chọn, cả trong đầu tư lẫn nguồn cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cấp thiết thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM ảnh 1 Nhiều doanh nghiệp sản xuất CNHT quy mô nhỏ và vừa đang cần thêm quỹ đất để mở rộng đầu tư
Tuy nhiên, hạn chế mà doanh nghiệp vấp phải khi đầu tư tại TPHCM là chi phí thuê mặt bằng ngày càng tăng cao. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT, công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao đều rất khó tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đầu tư mới trong lĩnh vực này hầu hết đều phải tìm kiếm địa điểm sản xuất ở các tỉnh lân cận, mới có thể sản xuất với giá thành cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do vậy, việc TPHCM đẩy nhanh hình thành khu CNHT đủ năng lực để thu hút doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối là cần thiết. Nhưng cùng với đó, thành phố cần cân nhắc đến các điểm ưu tiên chính như giá thuê đất phải hợp lý, diện tích thuê phải phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp quy mô nhỏ, tạo điều kiện gia tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp sản xuất CNHT trên địa bàn thành phố. 
Hiện nay, Chính phủ đã có cơ chế tạo sự chủ động cho các địa phương về nội dung này. Theo đó, Nghị quyết 115 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam đã đề cập nội dung hỗ trợ đầu tư và cơ chế hỗ trợ khu CNHT là do các địa phương chủ động: “Quy hoạch, đầu tư và hỗ trợ đầu tư một số khu, cụm công nghiệp do địa phương quản lý về CNHT trong đó có xây dựng nhà xưởng cho thuê, cho thuê mua tài chính, đổi mới trang thiết bị sản xuất theo mô hình cụm liên kết ngành”.
Ngoài ra, các địa phương chủ động xem xét, quyết định các cơ chế hỗ trợ theo điều kiện ngân sách của địa phương, như giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng hạng mục xử lý môi trường, nhà ở công nhân...


Minh bạch tiêu chí đầu tư cho doanh nghiệp

Cùng với chính sách giảm thiểu chi phí thuê đất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuần Việt, thành phố phải tính đến đối tượng thu hút đầu tư và dịch vụ cần cung ứng của khu CNHT.

Cụ thể, với đối tượng ưu tiên đầu tư vào khu CNHT ứng dụng công nghệ cao, thành phố cần xác định rõ là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cụm từ “ứng dụng công nghệ cao” cần xác định cụ thể, phù hợp với thực tiễn về năng lực và trình độ của doanh nghiệp thuần Việt trên cả nước, có ý định và mong muốn đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất CNHT tại TPHCM. Cụm từ này nên được hiểu như là khu CNHT sẽ ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ doanh nghiệp CNHT sản xuất tại đây, hơn là các doanh nghiệp CNHT trong khu là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện cả nước chỉ có gần 400 doanh nghiệp sản xuất CNHT Việt Nam đủ chất lượng, đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty FDI và xuất khẩu. Trong đó 2/3 tập trung tại TPHCM và Hà Nội. Đa số các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, khoảng 1/3 sản xuất lĩnh vực nhựa, cao su, hóa chất, chỉ có dưới 10 doanh nghiệp sản xuất linh kiện và công nghệ liên quan đến điện và điện tử. Do đó, thành phố nên cân nhắc các đối tượng ưu tiên. Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất CNHT các lĩnh vực chế tạo, đang cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam hoặc xuất khẩu mong muốn đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất CNHT tại TPHCM.

Việc cung ứng này có thể là trực tiếp (lớp cung ứng thứ nhất) hoặc gián tiếp (lớp cung ứng thứ 2, 3...). Kế đến là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất CNHT trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, có sản phẩm phù hợp để tìm kiếm nguồn cung nội địa tại Việt Nam, như đang sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh, hoặc cụm linh kiện bán thành phẩm có nhiều chi tiết và linh kiện rời có thể cần tìm gia công hoặc nguồn cung cấp tại TPHCM và Việt Nam. 

Riêng với doanh nghiệp Việt Nam khởi sự đầu tư hoặc mở rộng sản xuất trong lĩnh vực CNHT, công nghiệp chế tạo chế biến, có kế hoạch kinh doanh với quy trình công nghệ kỹ thuật sản xuất chỉ rõ các mục tiêu về tiêu chuẩn và chất lượng, có đối tượng khách hàng mục tiêu được xác định là các lĩnh vực ưu tiên trong Nghị định 111 về phát triển CNHT của Chính phủ. 

Hậu cần cung ứng phải sẵn sàng

Ngoài ra, cần chuẩn bị nội dung các hoạt động dịch vụ cung ứng của khu CNHT ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm các đơn vị tư vấn phù hợp để chuẩn bị năng lực và nhân lực đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư vào khu. Nội dung “ứng dụng công nghệ cao” cần được quan tâm đặc biệt khi xây dựng khu CNHT và các dịch vụ tư vấn cung cấp cho doanh nghiệp đầu tư vào khu.

Bên cạnh dịch vụ hiện có mà hầu hết các khu công nghiệp đã cung ứng rất tốt, các dịch vụ gia tăng của khu CNHT ứng dụng công nghệ cao này có thể bao gồm nhà xưởng được xây dựng theo yêu cầu, chất lượng và diện tích linh hoạt phù hợp với mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất CNHT sẽ được tư vấn ngay từ đầu về sắp xếp chi tiết hợp lý nhà máy theo mô hình sản xuất tinh gọn, đáp ứng tối ưu hóa sản xuất, mới có thể cạnh tranh về giá và chất lượng với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong chuỗi cung ứng. 

Các doanh nghiệp sẽ được tư vấn chuyển đổi số ngay từ khi xây dựng nhà máy và thiết lập hệ thống máy móc thiết bị sản xuất, trong đó, việc lựa chọn các thiết bị, công nghệ phù hợp để dần số hóa theo yêu cầu khách hàng và chuỗi cung ứng cần được tư vấn cho doanh nghiệp, ít nhất khu vực kho hàng cần được số hóa từ đầu. Song song đó, được hỗ trợ liên kết với các khách hàng ngay trong khu, tại TPHCM và với người mua toàn cầu. Và để làm được như vậy, cần xây dựng dữ liệu và nhu cầu, yêu cầu của khách hàng là các công ty đầu tư chuỗi, doanh nghiệp trong các lớp cung ứng, có nhu cầu tìm nhà cung cấp tại Việt Nam. Dữ liệu này được cung cấp ngay cho doanh nghiệp đầu tư vào khu CNHT để doanh nghiệp xác định rõ đối tượng khách hàng hướng đến của TPHCM và có kế hoạch đáp ứng nhu cầu cung cấp này trong thời gian cụ thể. 

Với các nội dung ưu tiên cụ thể và xác đáng như trên, chủ trương xây dựng khu CNHT ứng dụng công nghệ cao của TPHCM chắc chắn sẽ thành công. Hệ thống doanh nghiệp CNHT các ngành chế tạo đủ về chất lượng và số lượng, đáp ứng và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cung cấp cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao.

TS TRƯƠNG THỊ CHÍ BÌNH - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương, Bộ Công thương

Tin cùng chuyên mục