Chồng chéo, chưa hiệu quả
Những năm gần đây, công tác quản lý đô thị tại TPHCM gặp nhiều khó khăn, tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại trên một số địa bàn. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tế về phát triển tiến tới đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, TPHCM đang dần chuyển đổi mô hình quản lý. Theo các chuyên gia, quản lý đô thị không dừng lại ở việc cấp giấy phép xây dựng, giám sát thi công, quy hoạch mà đòi hỏi mở rộng ra các lĩnh vực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Trước thực tế yêu cầu, theo Sở Xây dựng TPHCM, việc tồn tại cùng lúc Đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội thanh tra địa bàn chỉ quản lý, theo dõi một lĩnh vực xây dựng không còn phù hợp. Trong khi đó, Đội quản lý trật tự đô thị thuộc quận, huyện chỉ quản lý trật tự, vệ sinh môi trường. “Việc tồn tại 2 đơn vị cùng thực hiện quản lý lĩnh vực trật tự xây dựng, đô thị và môi trường nhưng lại thiếu thống nhất nên dẫn đến chồng chéo, không hiệu quả như mong muốn, lại lãng phí”, lãnh đạo một đội thanh tra địa bàn nhìn nhận.
Ông Lê Minh Đức, Đội phó Đội thanh tra địa bàn quận Bình Thạnh cho biết, với cách quản lý thiếu thống nhất, mạnh ai nấy làm như hiện nay rất khó để ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm trong xây dựng như xây dựng sai phép, không phép. Lực lượng thanh tra địa bàn hoạt động theo ngành dọc, không bám sát địa bàn nên để lọt đối tượng vi phạm, hoặc khi phát hiện công trình sai phạm thì công trình đã xây dựng xong. Trong khi lực lượng trật tự đô thị thuộc UBND quận, huyện bám sát địa bàn thì lại không có chức năng kiểm tra, xử lý xây dựng sai phép, trái phép.
Địa phương tiếp tục chờ
Theo Đề án UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ, chức năng của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị, trực thuộc UBND các quận huyện. Từ đó, tham mưu cho UBND quận huyện thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và các nhiệm vụ khác. Đội còn có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tất cả công trình không thuộc thẩm quyền kiểm tra của Sở Xây dựng và Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM. Với chức năng, nhiệm vụ này, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không chỉ quản lý về lĩnh vực xây dựng mà còn tham gia giữ gìn trật tự xã hội, vệ sinh môi trường đô thị.
Theo lãnh đạo các quận huyện, hiện nay các địa phương có đủ điều kiện để thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị. Về nhân sự có thể tổ chức trên cơ sở sáp nhập Đội thanh tra địa bàn và Đội quản lý trật tự đô thị. Về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng đã có sẵn. Như vậy, việc thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị để thống nhất trong công tác điều hành, quản lý nhưng không phát sinh biên chế, cơ sở vật chất là rất thuận lợi.
Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TPHCM, cho rằng TPHCM đang rốt ráo thực hiện các chỉ thị về tăng cường quản lý trật tự đô thị như Chỉ thị 23, về cải thiện môi trường, vệ sinh kênh rạch như Chỉ thị 19, nên việc cơ cấu lại các đơn vị thực thi quản lý, giám sát là cần thiết. Cùng quan điểm với ông Vượng, nhiều lãnh đạo quận huyện cho rằng, để quản lý đô thị hiệu quả cần phải có mô hình tốt, chủ trương hợp nhất, thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, hiện các quận huyện vẫn đang chờ và sẽ sớm triển khai thực hiện nếu được phê duyệt.