Khoảng 90% doanh nghiệp thua lỗ
Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ” điều của Việt Nam. Sản phẩm hạt điều đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia, vùng lãnh thổ và nổi tiếng nhờ chất lượng cao, có tính đặc trưng so với hạt điều vùng khác. Toàn tỉnh hiện có hơn 134.000ha, chiếm gần 50% diện tích cả nước; tổng sản lượng đạt gần 150.000 tấn chiếm 50% sản lượng của cả nước; có gần 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều; có khoảng 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với tổng công suất đạt khoảng 81.000 tấn, trị giá hơn 807 triệu USD.
Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch mấy năm vừa qua chỉ đáp ứng được 25% công suất chế biến, tỉnh phải nhập thêm điều thô từ châu Phi về chế biến nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Hiện 80% cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của tỉnh đã phải đóng cửa.
Về đầu ra, trong 2 năm trở lại đây, giá cả ngành hạt giảm sâu, chỉ tính 2 năm 2017 - 2018, hạt điều đã giảm tới 40%. Do không chủ động được nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm nên DN chế biến điều luôn nằm trong thế bị động.
Đa dạng hóa sản phẩm từ điều và nhân điều
Số liệu của Sở NN - PTNT tỉnh Bình Phước cho thấy, quy mô, năng lực chế biến của các doanh nghiệp ngành điều Bình Phước còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có 31 doanh nghiệp đủ năng lực thực sự để nhập khẩu điều thô về chế biến. Các cơ sở còn lại sau vụ thu hoạch không có nguyên liệu để gia công nên buộc phải nhập nguyên liệu.
Theo một chủ doanh nghiệp, đây là lúc các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần sàng lọc để những doanh nghiệp làm ăn bài bản có cơ hội vươn lên. Nhất là trong xu hướng người tiêu dùng chú trọng về chất lượng, an toàn hàng hóa. Mặc dù trong 3 tháng gần đây, lượng điều thô được đưa về nhiều hơn để phục vụ tết, nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng đói nguyên liệu. Vì vậy, cần có những cơ chế chính sách đặc thù như hình thành các vùng chuyên canh, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để thực hiện tái sản xuất, chú trọng công tác dự báo thị trường, đề cao tiếng nói của hiệp hội điều, hình thành các chuỗi liên kết tạo đầu ra cho ngành điều...
Sau khi sản phẩm hạt điều Bình Phước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, bao gồm vùng nguyên liệu sản xuất và sản phẩm hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân, hạt điều rang muối... thì tỉnh Bình Phước đã cấp chỉ dẫn địa lý hạt điều cho 4 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Sơn Thành, với dòng sản phẩm hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân trắng và hạt điều rang muối; Công ty CP Hà Mỵ, Công ty TNHH Mỹ Lệ, Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú với các sản phẩm hạt điều nhân trắng và hạt điều rang muối.
Ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ cho 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh điều với số kinh phí hơn 11 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hạt điều xuất khẩu; ứng dụng 5 máy phân loại màu, 16 máy bóc vỏ lụa hạt điều, 5 hệ thống nồi hơi dùng xử lý hạt điều thô và 30 máy cắt tách hạt điều trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu.
Bình Phước đã được Cục Công thương địa phương lựa chọn thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm như hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị nhằm nâng cao sản lượng điều nhân nội địa; hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật các công nghệ mới; tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất điều bảo đảm chất lượng.
Theo bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương, để giữ được tốc độ phát triển bảo đảm tính ổn định và bền vững, ngành điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề xem xét và cần được quan tâm giải quyết. Bình Phước cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, chất lượng lao động, trình độ tay nghề công nhân tại các cơ sở chế biến điều; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm từ điều và nhân điều; áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí trong chế biến hạt điều.