Cạnh tranh gay gắt
Tại VBF 2023, ông Takahisa Onose, đại diện cho nhóm công tác về thuế và hải quan của VBF, cho biết, các nước thành viên Diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó có Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố chung về việc thực hiện chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS).
Theo đó, một nội dung quan trọng của BEPS là đã đưa ra giải pháp về thuế suất tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo lợi nhuận của các công ty đa quốc gia phải nộp là ở mức 15%, trong trường hợp các khoản lợi nhuận đó đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn hoặc không chịu thuế. Việt Nam có những lý do chính đáng để tham gia BEPS. Vấn đề ở đây là nhận diện và ứng phó với những tác động không thuận lợi của chính sách này. Khi áp dụng BEPS (dự kiến vào năm 2024), chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) của Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa đối với một số nhà đầu tư, bởi lẽ đằng nào họ cũng phải nộp tổng cộng ít nhất 15% thuế cho các khoản lợi nhuận của mình ở Việt Nam và ở nước có liên quan đến hoạt động của các công ty “con” tại Việt Nam. Điều đáng nói là các DN và nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi chính sách này lại là các nhà đầu tư lớn (có doanh thu hàng năm từ 750 triệu EUR trở lên), thường là công ty đa quốc gia sở hữu công nghệ cao, công nghệ lõi.
Như vậy, Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…, mà còn phải cạnh tranh với chính các quốc gia “xuất khẩu” đầu tư. Chính phủ các nước phát triển đang có xu hướng hạn chế đầu tư ra nước ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) cho thấy, Mỹ đã giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống còn 21%; cải cách thủ tục cấp phép đầu tư; đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp như năng lượng, ô tô, nhôm, thép; áp thuế cao với hàng nhập khẩu để thu hút đầu tư trong nước. Trong khi đó, Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước ở các ngành có giá trị gia tăng cao như ô tô, hàng không, công nghệ số. Nhật Bản dành 2 tỷ USD hỗ trợ DN đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước. Hàn Quốc cũng ban hành luật thu hút các DN đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất - kinh doanh trong nước.
Ngày 20-3, tại hội thảo do Bộ KH-ĐT tổ chức về tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia pháp lý đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm đảm bảo 3 mục tiêu: hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; phù hợp với các cam kết của quốc tế và quy định của OECD; phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia.
Đa dạng hóa ưu đãi
Năm 2023, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển dự báo dòng đầu tư toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm. “Bầu sữa” sẽ nhỏ đi và nhiều quốc gia không ngừng nỗ lực cạnh tranh thu hút đầu tư. Trong bối cảnh đó, tại VBF, các DN đã nêu 2 kiến nghị là: thúc đẩy việc luật hóa thuế suất tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, và có phương án hỗ trợ DN, nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng. Phản hồi kiến nghị, đại diện Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến năm 2027, 10 luật thuế sẽ được rà soát sửa đổi. Riêng trong năm 2023-2024, bộ sẽ xây dựng luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Thomas McClelland, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế (Deloitte Việt Nam), cho rằng, trước mắt, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại BEPS theo hướng dẫn của OECD. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Công, Singapore, Malaysia đã công bố ý định áp dụng cơ chế này. Một giải pháp khác được ông Thomas McClelland gợi ý là ưu đãi trợ cấp bằng tiền thông qua việc hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất, máy móc, nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ. Tại một số quốc gia châu Á, châu Âu, giải pháp này đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển với ngân sách không thật dư dả, Việt Nam cần đánh giá kỹ tác động để có cách làm hợp lý,
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, mặc dù vẫn được coi là thị trường đầu tư hấp dẫn, nhưng những ưu thế của Việt Nam đang ngày càng giảm dần. Trong cuộc khảo sát mà VAFIE tiến hành năm 2022, 100% DN bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam rà soát, điều chỉnh kịp thời, toàn diện chính sách đầu tư nước ngoài để thích ứng tốt hơn với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược FDI của các nước trên thế giới. Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, nói: “Nếu Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn về thủ tục hành chính, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn”. Còn ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng, cần tháo gỡ các vấn đề về lãi suất vay vốn đối với các khoản đầu tư cho tăng trưởng xanh, bởi lãi suất lên tới 2 con số là rất không thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cùng với đó là nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công; bài trừ tham nhũng, tiêu cực, nhanh chóng phản hồi những thủ tục chính đáng của DN…
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM: Cân nhắc mức độ ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến DN
Mức độ tác động của chính sách hiện nay đối với các DN vừa và nhỏ là rất lớn. Do vậy, khi cơ quan chức năng ban hành những chính sách, quy định nào thì cũng cần cân nhắc đến mức độ ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến DN. Đặc biệt là không nên ban hành những quy định đi ngược với các thông lệ quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, các DN đang rất cần Chính phủ cởi trói các bất cập về chính sách cho DN. Ngoài ra, DN cũng cần Chính phủ có nhiều hỗ trợ ưu đãi về vốn, thuế, phí… để DN có thêm nhiều động lực, cơ hội vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh trước DN FDI.
Tiến sĩ Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh
Việc tồn tại và có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một sự thách thức với DN Việt, khi hầu hết DN có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là DN Việt không làm được. Hiện tại, hiệp hội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cộng đồng năng lực cho các DN thành viên. Có thể kể đến là liên kết đơn đặt hàng nhằm tạo đơn hàng số lượng lớn, góp phần giảm chi phí vận chuyển và đơn giá. Từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi. Kế đến là xây dựng chuỗi liên kết để sản xuất sản phẩm đa chi tiết. Đây cũng là giải pháp để DN nâng cao vai trò cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện các chính sách ưu đãi đầu tư dành cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ đã nhiều và khá toàn diện. Có thể kể đến như: công nghiệp hỗ trợ (là ngành đặc biệt ưu đãi đầu tư) được miễn thuế thu nhập DN 4 năm và giảm 9 năm tiếp sau đó; dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất tín dụng (tối đa 5%/năm); hỗ trợ về vốn vay ưu đãi khi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành… Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập, phổ biến là tình trạng phân biệt đối xử theo hướng chưa đảm bảo quyền lợi tối đa cho các DN Việt tương tự như DN FDI. Do đó, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương nên rà soát lại, chấn chỉnh để bảo đảm quyền lợi của DN.
Ái Vân ghi