Tại diễn đàn, các doanh nghiệp khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cùng trao đổi, thảo luận và đánh giá lại thực trạng về công tác đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay để từ đó đề xuất được những giải pháp đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số báo chí, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Các chuyên gia trên cả nước với nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu bàn về thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông hiện nay, những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới, những cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0; đưa ra thông điệp và những giải pháp về đào tạo báo chí, truyền thông thời đại 4.0; đào tạo báo chí gắn với công nghệ số, trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội; đào tạo báo chí, truyền thông theo định hướng phát triển năng lực: Quan niệm, triển vọng và các giải pháp thúc đẩy; Đổi mới chương trình đào tạo báo chí bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ và truyền thống hiện đại.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cho biết, sự phát triển công nghệ đã thay đổi các phương thức, lao động, trong đó có lực lượng báo chí, công tác đào tạo báo chí cần đổi mới để phù hợp với thời đại công nghệ số, đặc biệt là cách tiếp cận, nội dung đào tạo.
PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu lên tính thời sự trong đổi mới phương pháp giảng dạy trong đào tạo báo chí hiện nay.
Theo bà Giang, đổi mới đào tạo có nhiều yếu tố tác động, trong đó có đổi mới giảng viên, phương pháp đào tạo, chất lượng đầu vào, công nghệ. Trong các phương pháp đào tạo hiện nay, vẫn cần lý thuyết gắn với thực hành. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, giữa lý thuyết và thực hành có khác so với trước kia. Quá trình thực hành diễn ra ngay trong từng môn học, từng chuyên đề, được gắn kết với nhau.
“Quá trình đào tạo, cơ sở đào tạo hiện nay thường xây dựng các mô hình tòa soạn, giống với cơ quan báo chí thu nhỏ, diễn ra trong từng môn học, đưa sinh viên đi thực tiễn và gắn với các cơ quan báo chí, thậm chí ngay từ năm thứ nhất, từ môn học đầu tiên”, bà Giang cho biết và nói thêm, các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay thường xây dựng các câu lạc bộ nghiệp vụ gắn với các loại hình báo chí khác nhau, đây là hình thức đào tạo mới gắn với thực tiễn.
TS Nguyễn Minh Phong đề nghị, trong đào tạo cần chú trọng tới đào tạo bản lĩnh chính trị, vấn đề này không tự nhiên mà có, đó là cả quá trình. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ giá trị chuẩn quốc gia, định hình bản lĩnh chính trị cho nhà báo. Cùng với đó, kết hợp với tinh thần nhân văn, bản lĩnh xã hội để hướng tới. Có nội dung giảng dạy liên cấp, liên thông.
TS Phong cũng đề nghị cơ quan đào tạo cần tăng cường đào tạo cho nhà báo tương lai về trách nhiệm công dân, trách nhiệm gia đình; tăng cường kiến thức pháp luật. Nhà báo hội tụ rất nhiều phẩm chất, có được điều đó là có nhà báo lý tưởng (nền tảng triết học tốt, khả năng nhận thức, diễn đạt, kỹ năng mềm - thẩm định tài liệu, kiểm chứng).
GS-TS Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Huế nêu lên thực trạng phải đổi mới công tác đào tạo báo chí, đồng thời cũng nhấn mạnh tới tính phổ biến các quy ứng xử trong báo chí.
Đại diện Đài tiếng nói Việt Nam trao đổi về cách tiếp cận tư duy làm báo trong kỷ nguyên số, trong đó kiến thức là quan trọng. Kiến thức từ nhà trường, từ nơi đào tạo. Do đó, khung chương trình đào tạo, nội dung đào tạo làm sao đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay. Thậm chí, lưu lượng kiến thức đào tạo hiện nay quá nhiều, nhưng có người vẫn cảm thấy thiếu. Vấn đề này có nguyên nhân từ đâu và trách nhiệm các bên cần làm rõ.
“Không chỉ có tư duy tốt về nội dung, mà còn giỏi cả về kỹ thuật, công nghệ mới, đó là công cụ để sáng tạo ra những tác phẩm tốt. Không có cách nào khác, nhà báo trẻ phải tự học, tự trang bị kỹ thuật công nghệ và tự chủ sáng tạo báo chí”, đại diện Đài tiếng nói Việt Nam nêu.