Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Như vậy, so với quý I, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4% (quý I là 540.000 người); có 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; khoảng 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý I.
"Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách" - Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Tấn Dũng báo cáo.
Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.
Để chia sẻ khó khăn với người lao động và doanh nghiệp, Bộ LĐTB-XH đã đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm mức thu, nộp phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước, lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; thời gian thực hiện đến hết ngày 31-12-2021; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các quy định về tiếp nhận lao động tại các nước để hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của nước sở tại.
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 40.602 lao động, chỉ đạt 45,11% kế hoạch.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, do tình hình dịch bệnh bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp nên Bộ LĐTB-XH xác định tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động với tinh thần chung là không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2021.
Nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm là cần có các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo thường xuyên, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người hiện không có việc làm, không tham gia học tập, tích cực học tập nâng cao trình độ, chuẩn bị hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0 để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động.
Bộ LĐTB-XH đề nghị các sở LĐTB-XH các tỉnh, thành phố phối hợp tham mưu, đề xuất và có giải pháp quan tâm đảm bảo sức khỏe người lao động, chăm lo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung; đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất…