Cấp thẻ Căn cước: Người dân được hướng dẫn tận tình

Luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7. Tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng đã đồng loạt triển khai cấp thẻ Căn cước cho người dân, trong đó có nhiều trẻ từ 0 đến dưới 6 tuổi và người lớn tuổi. 

Cán bộ Công an TP Thủ Đức (TPHCM) làm thủ tục cấp thẻ Căn cước cho học sinh. Ảnh: CHÍ THẠCH
Cán bộ Công an TP Thủ Đức (TPHCM) làm thủ tục cấp thẻ Căn cước cho học sinh. Ảnh: CHÍ THẠCH

TPHCM: Người dân háo hức

Tại TPHCM, trong ngày đầu tiên Luật Căn cước có hiệu lực, hàng trăm người dân đã đến trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC-TTXH), Công an TPHCM cùng Công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại Phòng Cảnh sát QLHC-TTXH, mới sáng sớm đã có đông người dân, trong đó có nhiều phụ huynh đưa con em hay người lớn tuổi tới làm thủ tục. Khi đến làm hồ sơ, người dân lấy số thứ tự, sau đó được khai thác thông tin, lăn tay, lấy mống mắt, chụp ảnh và nhận giấy hẹn. Quá trình làm hồ sơ diễn ra từ 5-10 phút, không xuất hiện tình trạng quá tải, ùn ứ.

Ông Trần Ngọc Linh (ngụ quận Gò Vấp) đến đổi CCCD 12 số chưa gắn chip sang thẻ căn cước và đưa con gái sinh năm 2014 đến làm thẻ căn cước. “Gia đình tôi thường đi du lịch nước ngoài nên nhân tiện, tôi đưa con gái làm thẻ căn cước luôn”, ông Linh chia sẻ. Tại trụ sở Đội Cảnh sát QLHC-TTXH, Công an quận 1 có rất đông người dân tới đăng ký làm thẻ căn cước, trong đó có người già, người tàn tật, người trung niên và số lượng lớn trẻ em dưới 14 tuổi. Tương tự, tại trụ sở Công an TP Thủ Đức, nhiều phụ huynh đưa con em từ 6 đến dưới 14 tuổi tới làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Hầu hết những người lớn tuổi đều được cán bộ, chiến sĩ Công an TP Thủ Đức hướng dẫn tận tình và ưu tiên cho làm thủ tục trước. Tính đến gần 15 giờ cùng ngày, Công an TP Thủ Đức hoàn thành thu nhận hồ sơ hơn 200 trường hợp; trong đó có 27 trường hợp dưới 14 tuổi, 20 trường hợp từ 6-14 tuổi, 7 trường hợp dưới 6 tuổi, 1 trường hợp tích hợp sinh trắc học ADN.

Theo Cục Cảnh sát QLHC-TTXH (C06), Bộ Công an, trong ngày đầu tiên triển khai Luật Căn cước, lực lượng chức năng nhận hơn 12.300 hồ sơ đăng ký cấp thẻ căn cước. Công an các địa phương đã hoàn thành 126 hồ sơ trả kết quả cho người dân, tổ chức in 60 thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi và trên 14 tuổi. Đến chiều cùng ngày, số lượng yêu cầu sinh trắc qua ứng dụng VNeID là hơn 21.000 lượt.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC-TTXH, Công an TPHCM, thông tin, đơn vị đã chuẩn bị kỹ về nhân lực và phương tiện nên ngày đầu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước được thông suốt. Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Luật Căn cước có hiệu lực sẽ đảm bảo cho quá trình quản lý, giao dịch dân sự và các hoạt động sinh hoạt của công dân. Đặc biệt, người gốc Việt chưa xác định quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước.

TP Hà Nội: Tạo thuận lợi cho người dân

Tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát QLHC-TTXH, Công an Hà Nội cùng Công an 30 quận, huyện, thị xã cũng đồng loạt tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Có mặt từ sớm tại trụ sở Phòng Cảnh sát QLHC-TTXH, Công an Hà Nội để cùng con trai thực hiện các thủ tục làm thẻ căn cước, bà Nguyễn Thị Uyên (trú phường Phương Liên, quận Đống Đa) nhận xét, khi con bà có thẻ căn cước sẽ thuận lợi khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện.

B4d.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM làm thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dân. Ảnh: CHÍ THẠCH

Cùng suy nghĩ, bà Nguyễn Thị Yến (trú quận Đống Đa) đưa 2 con nhỏ dưới 14 tuổi đến làm thẻ căn cước. Bà được tận tình hướng dẫn nên thao tác nhanh chóng, thuận tiện. Các phụ huynh đi cùng con chỉ cần nhập thông tin trên ứng dụng VNeID, sau đó đưa trẻ tới thu nhận vân tay, chụp ảnh khuôn mặt và thu nhận mống mắt. Cả quá trình chỉ mất từ 10-15 phút. Tại trụ sở Đội Cảnh sát QLHC-TTXH, Công an quận Hoàn Kiếm, nhiều người dân đã có mặt từ sớm để thực hiện các thủ tục.

Thiếu tá Mạch Việt Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC-TTXH, Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi được thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Sau khi hoàn thành các thủ tục cấp thẻ căn cước cho con dưới 6 tuổi, ông Nguyễn Đình Thắng (ngụ phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ, ông nhận thấy việc làm thẻ căn cước là cần thiết. Có thẻ căn cước sẽ thuận lợi cho con ông trong khai báo các thủ tục, không cần mang theo giấy khai sinh.

Bộ Công an phát động triển khai Luật Căn cước Ngày 1-7, Cục C06, Bộ Công an tổ chức lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và công bố dịch vụ xác thực điện tử. Tại buổi lễ, Cục C06 trao thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho 10 công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng C06, đề nghị lực lượng cảnh sát quản lý hành chính triển khai quyết liệt, cam kết hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

“Việc định danh chính xác cá nhân trên môi trường số là bước chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ, lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích chính, đặc biệt giúp cho việc minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục