Cấp tập sơ tán và tái định cư trước đợt lũ mới

Trong hai ngày 16 và 17-9, các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Yên đã gấp rút thi công khu nhà ở tạm cho người dân Làng Nủ (xã Phúc Khánh) - nơi vừa xảy ra trận lũ quét tang thương.

Sau 2 ngày thi công liên tục, mặt bằng khu tạm cư đã dần hiện hữu. Khu tạm cư này nằm cách khu ở cũ của bà con gần 1km nhưng vẫn trong địa bàn thôn Làng Nủ, với tổng diện tích hơn 2.000m². UBND huyện Bảo Yên đặt mục tiêu đến ngày 22-9 sẽ di chuyển toàn bộ 25 hộ dân của Làng Nủ ra khu tạm cư với các điều kiện sinh hoạt được đảm bảo tối thiểu.

R4E.jpg
Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lào Cai dựng khu lều dã chiến cho người dân thôn Kho Vàng tạm tránh nguy cơ sạt lở đất

Tại huyện Bắc Hà (cùng tỉnh Lào Cai), các hoạt động cứu trợ và sơ tán cũng đang được thực hiện rất khẩn trương. Trong những ngày vừa qua, tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu), các cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an tỉnh Lào Cai và người dân huyện Bắc Hà đã “đội nắng thắng mưa”, khẩn trương dựng lều lán làm nơi ở tạm cho 115 người dân lánh nạn trên sườn núi.

Những người này, từ ngày 9-9 đã sơ tán vào rừng do phát hiện một vết nứt trên sườn núi gần nơi sinh sống. Tại đây, họ đã đối mặt với tình trạng bị cô lập, mất điện và không có sóng điện thoại. Đến ngày 11-9, lực lượng chức năng tìm thấy và hỗ trợ di dời 115 người dân này xuống núi.

Để đảm bảo nơi ở lâu dài, UBND huyện Bắc Hà đang nghiên cứu xây dựng khu tái định cư an toàn và bền vững hơn cho họ. Trong khi đó, một số nơi khác trên địa bàn huyện Bắc Hà cũng đang tiếp tục phải sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, từ ngày 16 đến 17-9, chính quyền xã Bản Liền đã di dời khẩn cấp 32 hộ dân sống tại thôn Khu Tủng ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã kiểm tra và phát hiện có vết nứt lớn kéo dài, đe dọa tính mạng và tài sản của hơn 100 nhân khẩu nếu mưa lũ tới.

Các hộ dân đã được vận động di dời sang phân hiệu trường tiểu học và mầm non của xã Bản Liền để chờ có một khu định cư lâu dài. UBND xã Bản Liền hiện đang đề nghị cơ quan chuyên môn sớm khảo sát, đánh giá để đưa ra phương án tái định cư cho các hộ dân này.

Còn tại xã Nậm Đét, thuộc huyện Bắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tư Hiền cho biết, sau bão số 3, tại thôn xuất hiện một vết nứt lớn, đe dọa đến 86 hộ dân (khoảng 390 nhân khẩu). Đến ngày 17-9, vết nứt đã mở rộng tới 1,5m và dài 350m, buộc chính quyền phải cấp tốc di dời toàn bộ người dân đến nơi an toàn. UBND xã cũng đã đề nghị cơ quan chuyên môn của huyện sớm tiến hành khảo sát để có phương án hỗ trợ người dân về nơi ở mới, tránh những thảm họa có thể xảy ra.

* Ngày 17-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của lũ lụt, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều người dân ở một số huyện ngoại thành phải sơ tán tránh ngập lụt, trong đó nhiều nhất ở huyện Chương Mỹ với khoảng 9.052 người. Trong khi đó, hiện mực nước lũ trên sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ và Quốc Oai vẫn trên báo động cấp III, mực nước lũ trên sông Cầu qua huyện Sóc Sơn trên báo động cấp II.

Dự báo khi tại Hà Nội vẫn còn mưa lớn thì một số vùng trũng thấp, ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ tiếp tục ngập lụt từ 7-9 ngày tới; vùng ven sông Tích ở huyện Quốc Oai ngập từ 4-6 ngày.

Đến nay, nước lũ tiếp tục gây ngập úng sâu ở một số khu vực vùng trũng thấp, ngoài đê thuộc các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ và Sóc Sơn gây ảnh hưởng lớn tới việc bảo đảm an toàn cung cấp điện khiến các đơn vị chức năng của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội phải tạm thời dừng cung cấp điện tại những khu vực bị ngập lụt sâu.

Trong đó, ở các khu vực ngoài đê xã Cấn Hữu và xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, nước lũ vẫn ngập sâu từ 1-3m nên Công ty Điện lực Quốc Oai đã tách 2 trạm biến áp ra khỏi hệ thống vận hành. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội duy trì các lực lượng thường xuyên ứng trực ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác khẩn trương triển khai các giải pháp cung ứng điện an toàn, với phương châm nước rút đến đâu, cấp điện đến đó.

Tin cùng chuyên mục