Hai kịch bản phòng chống bão
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, sáng 2-11 vùng áp thấp nhiệt đới trên biển Đông sau khi vượt qua Philippines đã mạnh lên thành bão số 12 có tên quốc tế là Damrey (có nghĩa Con voi theo tên của Campuchia). Đây là một cơn bão mạnh cấp 10-11 và giật cấp 13-14, có đặc điểm là hoạt động tại vĩ độ thấp, với tốc độ di chuyển nhanh, trên đường tiến vào đất liền thuộc Nam Trung bộ sẽ gặp một khối không khí lạnh rất mạnh từ trên phía Bắc tràn xuống, nên khi gần bờ sẽ chếch xuống phía Nam một chút. Ngày 2-11, bão vẫn chủ yếu di chuyển theo hướng Tây.
Theo ông Hoàng Đức Cường, khoảng sáng 4-11, tâm bão sẽ đổ bộ vào Nam Trung bộ. Tuy nhiên từ ngày 3-11 hoàn lưu phía Tây của bão bắt đầu ảnh hưởng. Trung tâm dự báo khí tượng Nhật Bản cũng cho biết bão sẽ mạnh hơn khi đổ bộ vào đất liền. Chiều 2-11, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng bắt đầu phát bản tin cảnh báo về một khối không khí lạnh mạnh đang di chuyển dần xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên từ ngày 3-11, ở vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Không chỉ có gió giật mạnh mà bão số 12 còn gây ra mưa rất lớn theo hai kịch bản. Một là sẽ xuất hiện mưa lũ lớn tập trung tại khu vực Nam Trung bộ. Hai là vùng mưa lớn sẽ trải dài trên diện rộng từ Nam Trung bộ tới tận Quảng Bình - Quảng Trị đến Hà Tĩnh. Tổng lượng mưa được nhận định có nơi lên tới 1.000mm, thấp nhất khoảng 500mm. Từ chiều và đêm 3-11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ.
Mưa lớn trong 2 ngày qua làm nhiều khu vực tại Khánh Hòa bị ngập, đường sá bị sạt lở Ảnh: VĂN NGỌC
Chỉ đạo cuộc họp, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 12 cần sẵn sàng các phương án phòng chống, thông báo cho tàu thuyền hướng đi của bão. Rút kinh nghiệm bài học từ cơn bão số 11, các địa phương cần tránh tình trạng cây đổ, thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân, tập trung lực lượng tại các điểm dễ ngập úng để chủ động xử lý khi ngập lụt. Ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu bảo đảm an toàn cho người dân, giám sát bảo vệ các công trình đê biển đang xây dựng và theo sát các công trình hồ thủy điện, thủy lợi. Các địa phương cần xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các công trình hồ thủy điện, thủy lợi. Lực lượng công an phối hợp địa phương tuần tra canh gác bảo đảm an toàn khu vực di dân cũng như khu vực đưa dân đến tránh bão. Huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia chống bão, yêu cầu các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.
Vấn đề quan trọng là đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và liên hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Ngay sau cuộc họp triển khai hoạt động chủ động ứng phó với bão, các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã tổ chức một cuộc họp để bàn bạc và tính toán việc điều tiết mực nước tại các hồ chứa khi bão đổ bộ nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du, không để lũ chồng lũ, gây lũ nhân tạo. Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng cho biết đang gấp rút triển khai những công việc quan trọng để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra tại nơi bão số 12 gây ảnh hưởng, đảm bảo an toàn về lưới điện, chống úng ngập tại TP Đà Nẵng… ĐBSCL: Ứng phó linh động với bão Ngày 2-11, thông tin khẩn từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã suy yếu nhanh, đi lệch về phía Đông Nam trên vùng biển Cà Mau, không còn khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Trước thực tế trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo cho dừng thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai không cần thiết, gồm: di dời dân đến nơi an toàn, cho học sinh nghỉ học… Đồng thời, dừng thực hiện việc không cho tàu ra biển. Tuy nhiên, bộ đội biên phòng phải tiếp tục tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa biển, nhất là đối với phương tiện có công suất nhỏ hoạt động ven bờ; tiếp tục kiểm tra chính xác các phương tiện tàu cá hoạt động trên biển và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định. Tại Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ biễn biến của cơn bão số 12; hướng dẫn cách phòng tránh, bố trí neo đậu tàu thuyền cho hợp lý, tránh thiệt hại về tài sản. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh, tàu thuyền trên biển; trong sản xuất, đề nghị các địa phương rà soát lại hệ thống bờ bao để phòng tránh triều cường, nước biển dâng, sản xuất lúa tránh ngập úng. Đối với các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương là những huyện bị tác động nhiều nhất nên phải có biện pháp phòng tránh phù hợp. Đến ngày 2-11, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.000 phương tiện với trên 18.000 lao động đang hoạt động trên vùng biển ảnh hưởng của bão đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 6.000 phương tiện đang hoạt động đánh bắt trên biển. Do ảnh hưởng của bão số 12, nên ngày 2-11, tất cả các tuyến tàu cao tốc chở khách từ cảng Rạch Giá, Hà Tiên đi huyện đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải và ngược lại, đều ngưng xuất bến. Ngày 2-11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã họp bàn giải pháp ứng phó với cơn bão số 12. Theo báo cáo của các huyện, thị… đã vận động các tàu cá về neo đậu an toàn. Ngoài ra, tiến hành thông báo cho người dân đang nuôi trồng thủy sản, chòi canh nghêu, chủ động phòng chống bão, không nên ở lại chòi canh nếu trường hợp có bão ập đến… đồng thời có phương án hỗ trợ dân thu hoạch hoa màu khi có diễn biến bất thường. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, yêu cầu các ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với bão. Cần chủ động các phương án phòng chống nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản của nhân dân, của các cơ quan... Tiếp tục theo dõi chặt tàu thuyền ra khơi, kiểm soát các tàu vận tải trên sông, lưu ý các bến đò đưa rước khách phải đúng quy định; quan tâm những vùng cồn, bãi, những bến cảng, bến đò, hàng đáy trên sông, trên biển…Nam Trung bộ : Không cho tàu ra khơi Ngày 2-11, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp khẩn để chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 12 dự kiến đi vào khu vực Nam Trung bộ. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó cơn bão số 12. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương trong tỉnh phát lệnh gọi các tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi trong vùng có khả năng ảnh hưởng bão phải khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn trước 17 giờ chiều 2-11. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận và các địa phương ven biển phải trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo ứng phó, chú ý phương án di dời dân ven sông, ven biển đến nơi bảo đảm an toàn. Chậm nhất đến 10 giờ trưa ngày 3-11 phải hoàn tất các công việc chuẩn bị để chủ động ứng phó trước trong và sau bão. Cùng ngày, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó bão số 12; kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh trú bão; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và không cho người dân ở lại trên các lồng bè nuôi hải sản. Tại Khánh Hòa, mưa lớn trên diện rộng từ đêm 31-10 sang ngày 1-11 đã làm 110 nhà dân ngập cục bộ từ 20cm đến 70cm; 2 nhà dân bị sập vách, tụt vách; hơn 4.360 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 1.224ha hoa màu bị ngập úng. Trong đó thiệt hại nặng nhất là tại huyện Vạn Ninh với hơn 880ha lúa vụ mùa bị ngập sâu, 5ha tỏi bị cuốn trôi và ước có 70ha bị ngã đổ; kênh mương bê tông bị sập 553m, đất đá cuốn trôi khoảng 600m3, đường giao thông bị sạt lở khoảng 500m. Còn tại thị xã Ninh Hòa, có 150m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 100m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 15ha tôm bị thiệt hại 50%-70%, 10ha diện tích nuôi ốc, cua bị thiệt hại 50%-70%. Cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành công văn hỏa tốc về việc “cấm biển” - chủ động ứng phó bão số 12. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền không cho ra khơi kể từ 9 giờ ngày 2-11, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
TPHCM chủ động ứng phó khi bão đổ bộ
(SGGP).- Ngày 2-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã có cuộc họp khẩn với các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện triển khai các phương án phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 12 trên địa bàn TP.
Báo cáo về tình hình ứng phó với thiên tai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, hiện có 836 chiếc tàu, đa số hoạt động gần bờ và còn 9 chiếc đang hoạt động trên biển. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trần Minh Dũng cho biết, theo chỉ đạo của TP, huyện Cần Giờ đã tổ chức triển khai các phương án, trong đó sẵn sàng di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân sống ven sông dự kiến trên 6.000 người, số nhà cửa cần chằng chống khoảng 710 căn nếu bão vào TP. Ngay từ ngày 1-11, các lực lượng trên địa bàn huyện tham gia ứng trực tại chỗ và chuẩn bị sẵn sàng để khi có chỉ đạo của TP thì thực hiện theo đúng phương án đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: Công việc phòng, chống, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão lũ là công việc thường xuyên không được chủ quan, lơ là. Hiện TP có 3 phương án là phòng, chống khi bão đổ bộ vào TP; ứng phó với áp thấp, bão vào biển Đông; ứng phó với tình trạng hồ Dầu Tiếng xả lũ cùng thời điểm triều cường được dự báo dâng cao 1,68m.
Đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu để có phương án di dời người dân theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng, nếu gặp khó khăn báo cáo UBND TP xử lý. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão để tính toán phương án phòng, chống kịp thời. Bộ đội Biên phòng TP và Chi cục Thủy sản TP nắm số tàu thuyền hoạt động trên biển để thông báo cho các chủ tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú áp thấp nhiệt đới và bão an toàn.
(SGGP).- Ngày 2-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã có cuộc họp khẩn với các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện triển khai các phương án phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 12 trên địa bàn TP.
Báo cáo về tình hình ứng phó với thiên tai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, hiện có 836 chiếc tàu, đa số hoạt động gần bờ và còn 9 chiếc đang hoạt động trên biển. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trần Minh Dũng cho biết, theo chỉ đạo của TP, huyện Cần Giờ đã tổ chức triển khai các phương án, trong đó sẵn sàng di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân sống ven sông dự kiến trên 6.000 người, số nhà cửa cần chằng chống khoảng 710 căn nếu bão vào TP. Ngay từ ngày 1-11, các lực lượng trên địa bàn huyện tham gia ứng trực tại chỗ và chuẩn bị sẵn sàng để khi có chỉ đạo của TP thì thực hiện theo đúng phương án đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: Công việc phòng, chống, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão lũ là công việc thường xuyên không được chủ quan, lơ là. Hiện TP có 3 phương án là phòng, chống khi bão đổ bộ vào TP; ứng phó với áp thấp, bão vào biển Đông; ứng phó với tình trạng hồ Dầu Tiếng xả lũ cùng thời điểm triều cường được dự báo dâng cao 1,68m.
Đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu để có phương án di dời người dân theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng, nếu gặp khó khăn báo cáo UBND TP xử lý. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão để tính toán phương án phòng, chống kịp thời. Bộ đội Biên phòng TP và Chi cục Thủy sản TP nắm số tàu thuyền hoạt động trên biển để thông báo cho các chủ tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú áp thấp nhiệt đới và bão an toàn.