Việc tạo thông thoáng trong cấp phép kinh doanh với mục tiêu tốt đẹp là tạo thuận lợi nhất cho người dân kinh doanh. Thế nhưng, với lỗ hổng quy chế trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến có những trường hợp sai mà không ai chịu trách nhiệm; còn kẻ gian lợi dụng làm bậy. Rất nhiều trường hợp dùng tên, địa chỉ nhà người khác thành lập doanh nghiệp, lừa đảo rồi bỏ trốn; giả hồ sơ để chiếm đoạt doanh nghiệp...
Cấp dễ, đình khó
Một cán bộ ở quận 5 bị mất giấy chứng minh nhân dân từ nhiều năm trước, đã làm lại từ lâu, bỗng nay phát hiện mình đứng tên đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thấy có điều chẳng lành, chị gửi đơn khiếu nại lên Sở KHĐT thì được biết, cái chứng minh nhân dân cũ mà chị làm mất, đã được dùng đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhưng chữ ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp không phải chữ ký của chị. Chị này gửi đơn yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, nhưng thủ tục không hề đơn giản, bởi Sở KHĐT gửi thư mời đại diện doanh nghiệp đến làm việc thì không ai đến.
Chị gửi đơn tố cáo đến công an thì cũng không xử lý được vì không tìm ra người đăng ký. Sợ doanh nghiệp lấy tên mình rồi nợ thuế, nếu bị cơ quan thuế cấm xuất cảnh sẽ lỡ chuyện, nên chị gửi đơn đến cơ quan thuế, báo rằng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là không hợp pháp vì không phải chị ký thành lập doanh nghiệp, nhưng cơ quan thuế trả lời phải chờ làm việc, xác minh với đại diện doanh nghiệp… Tưởng sẽ được pháp luật bảo vệ, không ngờ tự dưng chị lại khổ thân đi khiếu nại khắp nơi.
Ai bồi thường thiệt hại?
Chị N.T.L cầm hồ sơ đến Báo SGGP phản ánh bức xúc về việc chị mua trại heo ở Đồng Nai. Cụ thể, chủ trại heo này thành lập công ty TNHH 2 thành viên do vợ chồng đứng tên. Trong hồ sơ thành lập, anh chồng ký luôn chữ ký thay vợ. Đã qua nhiều lần thay đổi nội dung giấy phép, anh chồng đều ký thay vợ như thế, nên được Sở KHĐT chấp nhận. Đến nay, công ty này bán sang cho chị N.T.L, thủ tục sang tên cho chị cũng được Sở KHĐT thực hiện xong. Bỗng dưng người vợ khiếu nại, cho rằng mình có một nửa vốn góp trong công ty và không ký bán cho chị N.T.L.
Bức xúc vì hồ sơ đã được Sở KHĐT sang tên xong, tiền đã thanh toán, nên chị N.T.L khiếu nại. Công an giám định chữ ký trong hồ sơ sang nhượng doanh nghiệp không phải là chữ ký của chị vợ. Thế nhưng, theo hồ sơ lưu tại Sở KHĐT thì tất cả các chữ ký của người vợ kể từ khi thành lập, đến các lần thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh đều thống nhất một chữ ký. Như vậy, phát sinh vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm khi Sở KHĐT cấp giấy chứng nhận kinh doanh không đúng người, không đúng chữ ký, để từ đó dẫn đến chị N.T.L mua lại doanh nghiệp giờ bị tranh chấp?
Vì quy định quá thông thoáng, luật trao mọi quyền cho người dân, doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, mà không quy định trách nhiệm kiểm tra cho các cơ quan chức năng và không có chế tài nghiêm minh, dẫn đến kẻ gian lợi dụng nhưng không bị xử lý, nên càng lộng hành. Hơn nữa, vì luật quy định cán bộ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không có trách nhiệm kiểm tra tính “hợp pháp” của hồ sơ, nên nếu có sự bắt tay giữa người cố tình đăng ký kinh doanh sai với cán bộ thì cán bộ làm sai vẫn không chịu trách nhiệm.
Đó là lý do anh T.Q.C ở quận 3 đăng ký thành lập doanh nghiệp tại địa chỉ nhà riêng trong khu cư xá nội bộ trên đường Lý Chính Thắng thì bị cán bộ cơ quan chức năng từ chối cấp. Thế nhưng khi anh nhờ dịch vụ, thì “cò” lại đăng ký trót lọt. Và đó cũng là lý do, mặc dù Nhà nước không cho phép đăng ký kinh doanh ở các chung cư, nhưng thực tế, hàng ngàn doanh nghiệp vẫn được cấp phép mà không cán bộ hay người dân nào bị xử lý.
Lẽ ra, nếu quy định thông thoáng thì các cơ quan phải liên kết xử lý người vi phạm để bảo vệ người dân. Đằng này, quy định thoáng, xong nếu xảy ra sự cố thì quyền lợi hợp pháp của người dân xem như bị...bỏ mặc.