Ngày 27-11, tại TPHCM, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo An ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn.
Tại hội thảo, nhiều đơn vị cấp nước đã chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và bảo đảm an ninh nguồn nước và bảo đảm cấp nước an toàn cho người dân; chương trình cấp nước an toàn, ứng dụng công nghệ và áp dụng các giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo các đại biểu cho rằng, an ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng trong an ninh môi trường. An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, chủ quyền của quốc gia.
Tuy nhiên, hiện an ninh nguồn nước đang đối mặt với nhiều vấn đề do quá trình đô thị hóa nhanh, nước thải công nghiệp không qua xử lý đã xả thẳng ra môi trường; quá trình khai thác nước ngầm quá nhiều; thiếu đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải, nhiều quy định về quản lý nước thải khá cụ thể nhưng việc tổ chức triển khai trên thực tế vẫn còn ít; hầu hết các con sông lớn ở Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận (63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ), do đó tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VWSA, năm 2020, ngành nước Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Hiện, tổng công suất thiết kế cấp nước đạt 10,6 - 10,9 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 89 - 90%; tỷ lệ thất thoát nước sạch đạt khoảng 19%; chất lượng nước không ngừng được cải thiện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người dân. Xử lý nước thải đạt khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm, tương ứng tỷ lệ đạt 14-15%.
Theo nhận định của PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, hiện an ninh nguồn nước ở Việt Nam gặp nhiều thách thức và nguy cơ mất an toàn trong cấp nước rất cao.
Tại hội thảo, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã đưa ra một số khó khăn khi triển khai cấp nước an toàn, trong đó có khó khăn về nguồn kinh phí để triển khai, sự tham gia của các bên trong việc thực hiện cấp nước an toàn (các sở, ban, ngành, cộng đồng), công tác bảo vệ nguồn nước (đặc biệt là nguồn nước mặt tại các dòng chảy qua các địa phương), tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước…
Đại diện Sawaco cũng kiến nghị Quốc hội cần sớm ban hành Luật Cấp nước, Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách về tài chính để thực hiện chương trình cấp nước an toàn; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông; xây dựng chiến lược sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý.