Trung Quốc “hụt” dự án
Tuyến cáp do SubCom LLC thi công có tên gọi là Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 6 (gọi tắt là SeaMeWe-6), kết nối dữ liệu của hàng chục quốc gia khi chạy từ Singapore đến Pháp, băng qua 3 vùng biển và Ấn Độ Dương. Dự án dự kiến được hoàn thành vào năm 2025.
3 năm trước, HMN Technologies Co Ltd (HMN Tech), một công ty của Trung Quốc, suýt trúng thầu dự án SeaMeWe-6. Thời gian qua, HMN Tech nổi lên là một thế lực trong ngành xây dựng cáp ngầm. Khách hàng của công ty này là một tập đoàn gồm hàng chục công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông toàn cầu, trong đó có cả Microsoft của Mỹ và Orange của Pháp. HMN Tech trước đó thuộc phần lớn quyền sở hữu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei. Từ năm 2020, HMN Tech được chọn để chuyên sản xuất và lắp đặt cáp. Giá đấu đầu cho SeaMeWe-6 được HMN Tech đưa ra là 500 triệu USD, thấp hơn khoảng 1/3 so với giá ban đầu mà SubCom đưa ra.
Nếu có được dự án SeaMeWe-6, HMN Tech sẽ củng cố được vị trí nhà xây dựng cáp ngầm phát triển nhanh nhất thế giới và góp phần mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu của 3 công ty Trung Quốc có ý định đầu tư vào dự án cáp ngầm trên là China Telecom, China Mobile Limited và China Unicom.
Mỏ vàng giám sát
Do lo ngại về vấn đề an ninh, Chính phủ Mỹ đã can thiệp, thực hiện một “chiến dịch thành công” để chuyển hợp đồng thi công dự án SeaMeWe-6 sang SubCom. Hãng Reuters cho biết đây là 1 trong ít nhất 6 dự án tuyến cáp ngầm do tư nhân đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Washington can thiệp trong 4 năm qua, để ngăn không cho HMN Tech giành được hợp đồng hoặc buộc phải tái định tuyến, hoặc loại bỏ các tuyến cáp có thể liên kết trực tiếp giữa lãnh thổ 2 nước Mỹ và Trung Quốc.
Theo thống kê của TeleGeography, công ty nghiên cứu về viễn thông có trụ sở tại Washington, thế giới có hơn 400 tuyến cáp ngầm chạy dưới đáy biển, vận chuyển 95% lưu lượng truy cập internet quốc tế. Những đường dẫn dữ liệu này truyền tải mọi thứ từ email, giao dịch ngân hàng đến bí mật quân sự. Do đó, chúng rất dễ trở thành mục tiêu bị tấn công phá hoại và hoạt động gián điệp.
Các cơ quan tình báo có thể dễ dàng khai thác các dây cáp trên lãnh thổ của nước họ. Justin Sherman, thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho hay cáp ngầm dưới đáy biển là “mỏ vàng giám sát” cho các cơ quan tình báo trên thế giới. “Khi nói về cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, về hoạt động gián điệp và thu thập dữ liệu, cáp ngầm liên quan đến mọi khía cạnh của những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng đó”, ông Sherman nói. Theo hãng Reuters, 2 trong số các dự án về cáp ngầm được Chính phủ Mỹ hỗ trợ đã được triển khai và hàng ngàn kilômét cáp quang đã được đặt dưới đáy biển Thái Bình Dương. Các “ông lớn” công nghệ Google, Meta và Amazon là những nhà đầu tư vào ít nhất 1 dự án xây dựng tuyến cáp trên.
Hãng Reuters nhận định, các tuyến cáp ngầm là “chiến lợi phẩm” trong cuộc chiến ủy nhiệm gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về các công nghệ có thể quyết định nước nào sẽ đạt được sự thống trị về kinh tế và quân sự trong nhiều thập kỷ tới.