PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử có tiện lợi gì so với những hộ chiếu đang lưu hành?
Đại tá NGUYỄN BÁ TUẤN: Hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử có nhiều lợi ích, như chống mạo danh, bởi tính bảo mật được xây dựng trên chip rất cao, đạt tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế). Nếu như trên hộ chiếu phổ thông bình thường chỉ có trang nhân thân, thì hộ chiếu gắp chip còn có nhiều dữ liệu của người sử dụng, gồm: họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, số căn cước công dân; thông tin về sinh trắc học của người dân (ảnh, vân tay, thông tin liên hệ...). Người dân khi bị thất lạc hộ chiếu, người khác cũng không thể dùng được vì dữ liệu trong chip không thể sửa đổi và dễ dàng bị phát hiện khi kiểm tra. Cùng với đó, chữ ký số quốc gia trên chip cũng không thể làm giả. Hộ chiếu gắn chip không có định vị theo dõi.
Ngày 27-2 vừa qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cùng Ban Cơ yếu Chính phủ đã có mặt trực tiếp tại trụ sở tổ chức ICAO trao chữ ký số quốc gia Việt Nam, để đưa vào hệ thống chung của quốc tế. Hiện nay, các nước trên thế giới đều có thiết bị đọc chip trên hộ chiếu; chúng ta đã triển khai thiết bị đọc chip tại các cảng hàng không, cửa khẩu.
Hiện nay, cùng với việc cấp hộ chiếu gắn chip, chúng ta đang đồng thời triển khai hệ thống “Auto Gate - cửa kiểm tra tự động”. Khi có “Auto Gate”, công dân sử dụng hộ chiếu gắn chip không cần đăng ký nhiều thủ tục, chỉ cần quét hộ chiếu gắn chip vào đầu đọc, thời gian làm thủ tục từ 10-20 giây/người. Ngược lại, công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu gắn chip khi ra nước ngoài, làm thủ tục nhập cảnh vào các nước cũng được thụ hưởng nhiều tiện ích tương tự. Chip điện tử trong hộ chiếu còn có thể đáp ứng yêu cầu giao dịch dân sự trong nước khi cơ quan chức năng cho phép, liên thông các giấy tờ như bảo hiểm y tế, bằng lái xe… rất dễ thực hiện do chip trong hộ chiếu sử dụng hệ điều hành riêng.
So với các nước trên thế giới, hộ chiếu Việt Nam có “quyền lực” như thế nào?
Vấn đề “quyền lực” trong hộ chiếu liên quan tới việc hộ chiếu được miễn thị thực ở bao nhiêu nước, số nước được miễn thị thực càng nhiều thì “quyền lực” của hộ chiếu càng cao. Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập với các nước, mong muốn khi cấp ra một loại giấy tờ có độ bảo mật cao, xác định rõ định danh con người như vậy thì sự tin cậy của các nước trên thế giới với hộ chiếu, giấy tờ của Việt Nam sẽ tăng lên; từ đó, khi các nước thực hiện chế độ, chính sách về thị thực, sẽ có những ưu tiên hơn với hộ chiếu Việt Nam.
Những đối tượng nào được ưu tiên làm hộ chiếu gắn chip?
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được quyền lựa chọn hộ chiếu phổ thông gắn chip hoặc không gắn chip. Nhưng lâu dài, có thể dần dần mở rộng phạm vi của hộ chiếu gắn chip. Hiện nay, công dân đang sử dụng hộ chiếu còn thời hạn có quyền đổi hoặc tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu.
Hiện theo quy định của Bộ Tài chính, lệ phí cấp hộ chiếu được giữ mức 200.000 đồng với trường hợp đề nghị cấp lần đầu hoặc cấp lại; 400.000 đồng đối với trường hợp đề nghị cấp lại hộ chiếu do bị mất hoặc bị hư hỏng. Ngoài khoản trên, người đề nghị cấp hộ chiếu không nộp thêm bất kỳ khoản nào khác.
Bộ Công an đã chuẩn bị gì từ lực lượng tới cơ sở vật chất để cấp hộ chiếu gắn chip?
Chúng tôi đã hoàn thiện dự án xây dựng hộ chiếu gắn chip, hiện đã chuẩn bị về mọi mặt cơ sở hạ tầng, để đảm bảo cấp phát hộ chiến gắn chip cho người dân theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký với ICAO và tiêu chuẩn bảo mật khác. Các nhân lực, nguồn lực đã được Bộ Công an chuẩn bị ở cả 63 tỉnh, thành để thực hiện tiếp nhận hồ sơ, cấp phát hộ chiếu cho người dân. Chúng tôi cũng dự báo các tình huống có thể xảy ra và số lượng người xin cấp hộ chiếu gắn chip tăng đột biến, tất cả đều nằm trong dự liệu.
Trong tháng 3, chúng tôi sẽ phối hợp với Cổng dịch vụ công Bộ Công an tiến hành cấp hộ chiếu gắn chip cho công dân thông qua hình thức trực tuyến; công dân thực hiện dịch vụ công mức độ 4 có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, không cần đến trực tiếp.
Vừa qua, xuất hiện một số dịch vụ “cò mồi” làm hộ chiếu, ông có khuyến cáo gì?
Đúng là hiện nay đang có hiện tượng thuê người khai trên dịch vụ công để làm hộ chiếu; việc này xuất phát từ vấn đề người dân nghĩ rằng dịch vụ công phức tạp, khó thực hiện. Đây không phải là “cò” làm hộ chiếu nhanh hay chậm, mà chỉ làm dịch vụ khai hộ, nhưng phí cũng rất cao, khoảng vài trăm ngàn đồng. Quá trình thực hiện, nếu thông tin cá nhân bị rò rỉ cho đối tượng xấu dẫn đến ảnh hưởng lớn tới cuộc sống. Về cơ bản, hiện nay dịch vụ công mức độ 4 và thủ tục tiếp nhận hồ sơ của công an đã công khai, minh bạch và dễ thực hiện, người dân nên chủ động khi có nhu cầu khai cấp hộ chiếu trực tuyến.
Thưa ông, thông qua hộ chiếu gắn chip, hình ảnh đất nước, văn hóa Việt Nam sẽ được quảng bá thế nào ra thế giới?
Hộ chiếu phổ thông gắn chip được xây dựng, thực hiện trên nền của mẫu hộ chiếu phổ thông được cấp từ 1-7-2022. Trong các trang hộ chiếu, có hình ảnh danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước. Chỉ khác có thêm con chip gắn ở trang bìa cuối, mắt thường không nhìn thấy được.