GCN cấp trên đất rừng
Men theo con đường khúc khuỷu, uốn theo triền đồi, chúng tôi đến bon Păngso (xã Đắk Som) vào những ngày cuối tháng 7. Đời sống bà con ở đây vẫn còn chật vật, khó khăn so với các khu vực khác trong vùng. Ở bon Păngso, người dân đa phần làm nông nghiệp. Họ bám nương, bám rẫy, chăm trồng cà phê, bắp... để cố gắng vươn lên từng ngày.
Ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, ông K’Hai nhìn về hướng rẫy cà phê đang sum suê trái, khuôn mặt hốc hác buồn rười rượi. Ông nói có 2,1ha đất bị thu hồi, diện tích đất này được gia đình khai hoang, canh tác từ những ngày mới thành lập xã Đắk Som (năm 1994); sau nhiều năm canh tác, năm 2012, gia đình ông được UBND huyện cấp GCN.
“Khi được cấp GCN, vợ chồng tôi mừng lắm, vì tài sản đã được Nhà nước công nhận. Gia đình đã đổ biết bao tâm huyết, vay vốn, đầu tư cây trồng để phát triển kinh tế. Không ngờ bây giờ lại bất ngờ nhận được thông báo rằng GCN của tôi cấp không đúng quy định, buộc phải thu hồi, ông K’Hai nói trong xót xa.
Theo UBND huyện Đắk Glong, trong 65 GCN cấp sai quy định thì GCN có diện tích lớn nhất là hơn 5,5ha và diện tích nhỏ nhất là 77m2, còn lại đa số các GCN có diện tích từ 1-2ha. Nhiều gia đình bị thu hồi 2-3 GCN. Chẳng hạn, gia đình bà Nguyễn Thị Sang bị thu hồi 2 GCN với diện tích hơn 8ha đất. Khi nghe hỏi về việc này, hai hàng nước mắt bà Sang trào trên đôi gò má. Bà Sang kể, năm 1994, gia đình bà cùng hàng chục hộ dân được chính quyền địa phương di dời từ xã Đắk Plao, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk (nay là huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đến nơi ở hiện tại để thành lập xã Đắk Som. Từ ngày đặt chân về xã mới, vợ chồng bà Sang cần mẫn khai hoang, canh tác và sau đó được UBND huyện Đắk Glong cấp GCN.
“Mấy chục năm nay, chúng tôi sinh sống, canh tác không lấn chiếm đất của ai. Chúng tôi đến đây ở trước thời điểm Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ - Tây Nguyên được giao đất rừng (Năm 2003 - PV). Nếu có sai, thì ngành chức năng đã sai trong việc quy hoạch đất của viện cấp chồng lấn trên diện tích đất của chúng tôi. Chúng tôi không sai”, bà Sang bức xúc.
Sai từ nhiều cấp
Trong 65 GCN cấp sai quy định, hiện nay rất nhiều GCN đã được các hộ dân thế chấp tại các ngân hàng để vay vốn đầu tư, canh tác. Như gia đình ông K’Hai đang thế chấp GCN cho ngân hàng để vay 300 triệu đồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Sang cũng đang thế chấp 2 GCN nằm trong danh sách bị thu hồi cho ngân hàng để vay hàng tỷ đồng. Những người này đang rất hoang mang và chưa biết tính thế nào về việc trả vốn vay cho ngân hàng.
Ông K’Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som, cho biết, hiện nay chính quyền địa phương đang tổ chức tuyên truyền, vận động người dân giao nộp lại những GCN đã cấp sai quy định. Tuy nhiên, việc thu hồi GCN do bị cấp sai khá khó khăn, vì nhiều hộ dân đã thế chấp cho ngân hàng, hoặc nhiều người chưa đồng ý giao nộp. “Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân giao nộp lại GCN, chúng tôi cũng gửi danh sách đến các phòng công chứng, ngân hàng trên địa bàn để không giao dịch với những trường hợp bị cấp sai trên”, ông K’Bảy thông tin thêm.
Còn theo ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cấp GCN sai quy định. Trong đó, có việc giao đất, giao rừng cho chủ, nhóm hộ thời kỳ trước thực hiện không chặt chẽ, không xác định ranh giới rõ ràng. Nói về trách nhiệm trong vụ việc, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong cho rằng, việc cấp GCN sai quy định này có nhiều cấp, ngành (từ sở, huyện, phòng tài nguyên môi trường đến cấp xã) phải chịu trách nhiệm.
“Hiện ngoài việc thu hồi lại tất cả GCN cấp sai quy định, UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao cho huyện rà soát, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc. Chúng tôi sẽ họp, kiểm điểm cá nhân, tổ chức theo thẩm quyền, ai sai phải chịu trách nhiệm”, ông Trần Nam Thuần khẳng định.