Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến về những giải pháp trong thời gian tới.
° PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về tình trạng cấp GCN tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP thời gian qua?
° Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến: Lãnh đạo thành phố ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để cấp GCN cho người dân nói chung và người mua nhà, đất tại các dự án nhà ở nói riêng. Những nỗ lực đó chính làm giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, công khai… bước đầu cũng đã được người dân ghi nhận. Tuy nhiên, việc cấp GCN vẫn còn rất nhiều bức xúc của người dân. Bởi việc cấp GCN cho một căn hộ, một dự án phụ thuộc vào nhiều nơi như chủ đầu tư, các ngành liên quan khác nữa chứ không phải riêng của cơ quan cấp giấy, đôi khi còn có nguyên nhân từ phía người dân nữa.
Do đó hiện nay chúng ta phải tập trung tháo gỡ để giải quyết nhu cầu chính đáng cho người dân, trường hợp nào đủ điều kiện cấp giấy thì cấp ngay cho hộ đó, một hộ cũng phải làm không đợi chờ, trong trường hợp người dân đủ điều kiện thì cứ cấp cho dân còn những sai phạm của chủ đầu tư để “xử” sau. Còn hơn là thấy khó rồi cứ chuyển qua chuyển lại.
Bên cạnh giải quyết những trường hợp hậu quả trong quá khứ thì thành phố cũng rà soát lại để không xảy ra những trường hợp tương tự mà hiện nay chúng ta đang giải quyết. Ví dụ như việc các chủ đầu tư thế chấp dự án, khi ngân hàng nhận thế chấp tài sản để cho vay thì ngân hàng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án, năng lực của chủ đầu tư rồi quyền lợi của khách hàng mua nhà trong đó nữa. Nhiều trường hợp chủ đầu tư đã đem bán thu tiền của khách hàng rồi nhưng vẫn đem cầm cố trong khi đó ngân hàng lại không tìm hiểu cứ cho vay rồi dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Việc nhận thế chấp như vậy không chỉ rủi ro cho người mua nhà mà còn rủi ro cho ngân hàng nữa; chắc chắn khách hàng sẽ khiếu nại mọi việc rất khó dẫn đến nợ xấu cho ngân hàng. Về phía người dân khi mua thì cũng phải tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro.
° Đồng chí có thể phân loại các “nhóm sai phạm” gây khó khăn trong quá trình cấp GCN?
Thời gian tới các sở ngành của TP phải tập trung giải quyết bức xúc của người dân, xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể, không đợi cả dự án. Nếu doanh nghiệp không thiện chí giải quyết sẽ xem xét chế tài trong quá trình đầu tư dự án mới. |
° Việc các dự án chậm được các cơ quan chức năng cấp GCN cho người mua nhà có thể phân loại ra các nhóm để xử lý, những trường hợp chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo phải chuyển ngay cho cơ quan công an để điều tra xử lý theo quy định; những dự án chủ đầu tư và khách hàng tranh chấp có tính chất dân sự thì chuyển tòa án giải quyết; những dự án sai phép, vi phạm quy hoạch, không đảm bảo an toàn cho người dân thì kiên quyết xử lý, buộc chủ đầu tư khắc phục; như tôi nói ở trên, những trường hợp có dự án có vi phạm nhưng không ảnh hưởng nhiều có thể xem xét cấp GCN cho dân trước rồi xử lý chủ đầu tư sau. Ví dụ như dự án chung cư Sinh Lợi (khu 6A huyện Bình Chánh) được cấp GCN toàn khu đất là 728m2, nhưng chủ đầu tư làm tầng hầm cho chỗ để xe là 1.073m2, tăng 345m2.
Sở TN-MT cho rằng, theo quy định về đất ở xây dựng khu chung cư chủ đầu tư phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất phần diện tích tăng thêm. Tuy nhiên chủ đầu tư chưa đồng ý với lý do phần diện tích tầng hầm tăng thêm xây dựng thuộc phần đất công viên, cây xanh sau đó bàn giao cho địa phương nên không phải nộp tiền sử dụng đất.
Theo Sở TN-MT, các trường hợp như trên khá nhiều trên địa bàn TPHCM. Tôi nêu ví dụ cụ thể để chúng ta có thể hình dung trong quá trình xử lý công việc trong thời gian tới. Trong dự án nói trên tôi đã đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT là cấp GCN cho những hộ dân mua nhà trong diện tích khuôn viên đất (728m2); Cục Thuế TP xác định và chủ đầu tư có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) và sẽ được cấp GCN phần diện tích sàn thương mại, tầng trệt và tầng lửng sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Thời gian sắp tới các sở ngành của TP phải tập trung giải quyết bức xúc của người dân, xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể chứ không đợi cả dự án; xem xét giải quyết cho dân trước rồi giải quyết những sai phạm của chủ đầu tư sau; nếu doanh nghiệp không thiện chí giải quyết thì xem xét chế tài trong quá trình đầu tư dự án mới.
° Trên thực tế việc xử lý các chủ đầu tư sai phạm dường như chưa “mạnh tay”, thưa đồng chí?
° Trong các sai phạm của chủ đầu tư, phức tạp nhất vẫn là chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, tức là bán cho khách hàng rồi nhưng vẫn mang tài sản đi cầm cố thế chấp nhiều nơi. Thậm chí có chủ đầu tư sau đó bỏ trố, thậm chí có chủ đầu tư chết luôn. Cuối cùng nhà nước cũng phải đứng ra giải quyết nhưng cần làm rõ trách nhiệm hình sự của đối tượng, tuy nhiên giải quyết những trường hợp này mất khá nhiều thời gian. Các trường hợp chủ đầu tư sai phạm nhưng cơ quan chức năng chậm xử lý về phía UBND TP sẽ ghi nhận những trường hợp này.
Quan điểm của chúng tôi là giải quyết chuyện gì ra chuyện đó, dù có khó khăn nhưng cũng phải có lối ra, bởi vì pháp luật đã có quy định, nhưng cũng có khi khó quá nên một số cơ quan chức năng ngán ngại nên kéo dài. Nếu chúng ta có trách nhiệm với dân thì sẽ giải quyết được hết.
° Xin cảm ơn đồng chí!