Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một người chỉ huy công tác cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường cũng như sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bên liên quan khi có sự cố như cháy nổ, sập nhà… xảy ra.
Đó là thông tin được trao đổi tại buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cấp cứu, chữa trị bệnh nhân bỏng trong thảm họa cháy chung cư Carina Plaza” tại Bệnh viện Chợ Rẫy vừa qua thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện sở, ban ngành như: Cảnh sát PCCC TP, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Trung tâm cấp cứu 115 và các BV có liên quan.
Theo Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, Trưởng Phòng Điều hành - Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM, đơn vị này nhận được điện thoại gọi báo cháy và cần cấp cứu khẩn cấp của người dân tại chung cư Carina (1648 Võ Văn Kiệt, Quận 8) vào lúc 1 giờ 40 phút rạng sáng ngày 23-3. Ngay lập tức các xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 lên đường, đồng thời điều phối 5 trạm vệ tinh và các bệnh viện lân cận đến hiện trường. Khi tiếp cận hiện trường, Trung tâm cấp cứu 115 đã thiết lập khu y tế, tiếp nhận nạn nhân, phân loại, sơ cứu và chuyển bệnh đến các bệnh viện gần nhất.
Tổng cộng, đã có 13 nạn nhân tử vong được chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các nạn nhân bị thương chuyển đến các bệnh viện lân cận như Bệnh viện quận 6, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Nhi đồng 1… Ngoài ra, một số nạn nhân tự đến bệnh viện bằng các phương tiện khác.
Mặc dù đã vận chuyển bệnh nhân kịp thời đến các bệnh viện, tuy nhiên bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh nhìn nhận, công tác cứu nạn vẫn chưa có sự phối hợp một cách toàn diện với các đơn vị khác, trong đó quan trọng nhất vẫn là chưa thật sự có một người chỉ huy làm công tác phân công, chỉ đạo, kết nối, phối hợp với các bên liên quan tại hiện trường. Chính vì thế, không có bộ phận tiếp nhận, trấn an, thông báo đến người nhà của các nạn nhân đã tạo nên sự hỗn loạn và hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, sang chấn tâm lý của nhân viên y tế sau thảm họa chưa được quan tâm. Nhiều nhân viên sau vụ cháy về nhà căng thẳng, mất ăn, mất ngủ nhiều tuần.
Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng cứu hộ cứu nạn, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM cho rằng, nên có quy chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương, lực lượng Phòng cháy chữa cháy, các đơn vị y tế và các tổ chức cứu trợ xã hội để có sự hỗ trợ lẫn nhau khi có sự cố xảy ra.
“Sự phối hợp và hỗ trợ của các đơn vị khác rất quan trọng bởi chúng tôi chỉ tập trung vào hai nhiệm vụ chính là chữa cháy và đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Còn việc sơ cấp cứu thì cần đến nhân viên y tế, các trợ giúp khác thì cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể”, Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn cho hay.
Ngoài ra, cũng theo Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, hiện nay các trang thiết bị cấp cứu ngoại tuyến của các bệnh viện còn hạn chế. Trong vụ cháy chung cư Carina, mặc dù đã có sự phân loại bệnh nhân nhưng việc cấp cứu tại hiện trường còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở sơ cứu và vận chuyển đến bệnh viện. Lý tưởng nhất là có đội ngũ tiếp cận nạn nhân và cấp cứu tại chỗ.
PGS.TS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy lo ngại, dù các bệnh nhân đã xuất viện nhưng có thể sẽ để lại di chứng nặng nề do nhiều người bị bỏng hô hấp nặng.
“Chúng ta cần có sự phối hợp với nhau để có thể làm sao tiếp cận hiện trường sớm nhất, đưa được nhiều người ra khỏi nơi nguy hiểm và cấp cứu kịp thời được cho các nạn nhân, giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe cho người dân”, PGS Trần Minh Trường nhấn mạnh.
Về lâu dài, để công tác cứu hộ cứu nạn được kịp thời, các đại biểu kiến nghị nên có các quy định yêu cầu chủ đầu tư các chung cư, các trung tâm thương mại… mua sắm các phương tiện phòng cháy chữa cháy, xe cứu hỏa, các trang thiết bị y tế cần thiết để có thể ứng cứu tại chỗ trước khi các lực lượng khác tiếp cận hiện trường.