Chạng vạng tối 8-11-2018, nhận tin báo từ một người dân sống ở phường Bến Nghé, quận 1, cần hỗ trợ cấp cứu. Nạn nhân là cụ ông Nguyễn Tám, 92 tuổi, đang bị tăng huyết áp, tím tái, liên tục co giật; nơi đến cấp cứu là căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Tự Trọng. Kíp cấp cứu gồm 2 người (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng) của Trạm Cấp cứu vệ tinh Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, lập tức điều khiển xe gắn máy, nhanh chóng có mặt. Chưa đầy 10 phút, kíp cấp cứu đã đến nhà nạn nhân, tiến hành hô hấp, cho uống thuốc trợ tim, hỗ trợ gia đình nhanh chóng đưa nạn nhân ra ô tô cấp cứu chờ sẵn ở đầu hẻm, chuyển đến bệnh viện. Sau 2 giờ hồi sức, ông Tám đã tỉnh, nói được, người thân ai nấy đều vỡ òa.
Trước đó một tháng, cũng với mô hình cấp cứu bằng xe gắn máy, đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 đã kịp thời cứu sống một nam nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ do bị té ở độ cao tại một công trình xây dựng trên đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp. Đó là 2 trong số hàng trăm ca cấp cứu mà đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 đã can thiệp, cấp cứu kịp thời, giành lại sự sống cho bệnh nhân, nạn nhân trong thời gian qua.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, mô hình cấp cứu người bệnh bằng xe máy được đơn vị nghiên cứu, cho thí điểm và áp dụng rộng rãi từ hơn 5 tháng qua, đến nay mang lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống tăng cao nhờ thời gian di chuyển nhanh, cấp cứu kịp thời. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Long cho biết, trước đây, việc tổ chức cấp cứu bệnh nhân tại hiện trường tai nạn, hoặc nhà bệnh nhân, kíp cấp cứu sử dụng ô tô để di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc sử dụng ô tô không phải là phương án tối ưu. Ở TPHCM, hạ tầng giao thông nhiều nơi bị quá tải, nhất là khu vực nội thành, kẹt xe - ùn tắc giao thông liên tục xảy ra ở khung giờ cao điểm. Trong khi đó, cấp cứu bệnh nhân đòi hỏi thời gian phải tính bằng giây, trong một số trường hợp, chậm vài giây, bệnh tình - thương tích nạn nhân có thể biến chứng nặng, khó điều trị, thậm chí tử vong.
“Trăn trở, suy nghĩ trong thời gian dài, chúng tôi thấy, sử dụng mô tô làm phương tiện phục vụ quá trình cấp cứu bệnh nhân là phương án hiệu quả nhất. Thoạt nghe, phương án này có vẻ không khả thi, vì xe gắn máy khó chuyển bệnh nhân, không thể trang bị nhiều thiết bị y tế. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, hiệu quả thấy rõ”, bác sĩ Long nói. Trên mỗi xe cấp cứu hai bánh, Trung tâm Cấp cứu 115 gắn 3 thùng thiết bị y tế (2 thùng ở hai bên hông và 1 thùng phía sau). Đội ngũ y bác sĩ của kíp cấp cứu có trang phục riêng, lưng áo ghi chữ “Trung tâm Cấp cứu 115” để người nhận biết hỗ trợ, nhường đường khi di chuyển... Hiệu quả thấy rõ ở mô hình cấp cứu bằng mô tô là không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, kịp thời cứu sống bệnh nhân, mặt khác nhà nước, người dân giảm được chi phí cấp cứu, điều trị. Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết, đến nay đơn vị đã nhân rộng mô hình cấp cứu bằng mô tô ra 6 trạm và hiện đang từng bước hoàn thiện mô hình để việc cấp cứu ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh mô hình cấp cứu bằng xe gắn máy, hiện Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cũng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống điều hành thông minh. Hệ thống này sẽ kết nối, giữ liên lạc thông suốt với các thành phần tham gia cấp cứu, chữa trị cho bệnh nhân gồm: Trung tâm điều hành tiếp nhận tin báo, kíp cấp cứu di chuyển đến hiện trường, người dân có nhu cầu cấp cứu và bệnh viện dự kiến tiếp nhận bệnh; qua đó, hiệu quả trong cấp cứu được nâng lên gấp nhiều lần.
Người dân, đơn vị, tổ chức nào có giải pháp sáng kiến mang giá trị thiết thực đều có thể tham gia giải thưởng. Công trình sáng kiến gửi đến Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM (86 Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM) tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 (lần 1). Báo SGGP mong nhận được ý kiến góp ý của bạn đọc về các công trình tham gia giải thưởng được đăng tải, giới thiệu trên mặt báo. Mọi góp ý xin gửi về: toasoan@sggp.org.vn (báo giấy) hoặc sggponline@sggp.org.vn. |