Lương thấp, chế độ đãi ngộ thiếu, công việc lại vất vả, căng thẳng nên y bác sĩ không muốn về công tác tại TTCC 115. Thậm chí, nhiều người từng gắn bó với TTCC 115 đã xin bỏ việc hoặc chuyển chỗ làm. Trước thực tế nhu cầu cấp cứu người bệnh không ngừng gia tăng, hoạt động của nhiều TTCC 115 đang rất cần… “cấp cứu”.
Nhiều hạn chế
TTCC 115 TPHCM không lúc nào tắt đèn, bất kể ngày hay đêm. Khi có điện thoại báo yêu cầu là ê kíp cấp cứu lại khẩn trương lên đường tới với người bệnh, hay các vụ tai nạn. Công việc vất vả, căng thẳng, cần rất nhiều sự hỗ trợ của phương tiện và nhân lực, nhưng tại TTCC 115 TPHCM và Hà Nội, cả 2 lĩnh vực này đều trong tình trạng vô cùng thiếu thốn.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Long, Giám đốc TTCC 115 TPHCM, hiện trung tâm chỉ có 16 BS, 60 điều dưỡng, 12 y sĩ, 22 lái xe; về phương tiện có 11 xe cấp cứu, trong đó có 6 xe cũ. Ngoài ra còn có 24 trạm cấp cứu 115 vệ tinh đặt tại các bệnh viện (BV), tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cứu của người dân TP. Theo thống kê, 30% trường hợp khi xe cấp cứu đến thì người bệnh đã tự đi đến BV do sốt ruột chờ lâu.
Còn theo BS Nguyễn Thành, Giám đốc TTCC 115 Hà Nội, cả trung tâm chỉ có 22 xe cứu thương phục vụ cho công tác cấp cứu và vận chuyển cấp cứu, trong đó 1 xe hư hỏng đang chờ thanh lý. Cùng với đó là 28 BS. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 1 triệu dân thì cần có 15 kíp xe cấp cứu. Hiện nay, dân số của Hà Nội là khoảng 10 triệu người, nên phải cần 150 kíp xe cấp cứu thường trực.
Các TTCC 115 còn phải đối mặt với tình trạng “chảy máu” nhân lực, cũng như rất khó khăn trong tuyển dụng đội ngũ, nhất là bác sĩ kíp trưởng. Chỉ trong năm 2017, TTCC 115 TPHCM đã có 23 người nghỉ việc, trong đó có 6 BS và 6 điều dưỡng, 1 y sĩ, 1 kỹ thuật viên... Nguồn thu không ổn định khiến cho mức thu nhập của nhân viên trung tâm vô cùng thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, môi trường làm việc nguy hiểm, không phân biệt giờ giấc, không có cơ hội để phát triển chuyên môn. Chính vì thế, số lượng nhân sự hàng năm mà trung tâm tuyển dụng được rất ít, đặc biệt là vị trí BS.
“Tuyển được nhân sự đã khó, song giữ được người lại càng khó hơn. Thu nhập của các vị trí như y sĩ, điều dưỡng chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng, BS thì 4 - 5 triệu đồng/tháng, riêng bản thân tôi là giám đốc cũng chưa tới 7 triệu đồng thì sao mà tuyển được người mới và giữ được người cũ”, BS Long cho hay.
Lương ít, việc nhiều
“Ngành y tế TPHCM cần phát triển rộng rãi thêm hệ thống cấp cứu vệ tinh đến các BV tư nhân. HĐND TPHCM sẽ thảo luận các chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nguồn nhân lực cho hệ thống cấp cứu ngoại viện của TP, nhằm đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người dân”.
Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM
Lãnh đạo các TTCC 115 phân tích, nếu như làm việc trong BV, BS có thể tiếp xúc với bệnh nhân rất nhiều thời gian. Ngoài giờ làm việc, người bệnh tìm đến phòng mạch nên BS có thêm thu nhập. Còn BS của TTCC 115 chỉ tiếp xúc với bệnh nhân 15 - 20 phút đầu, tập trung vào cấp cứu nên đại đa số bệnh nhân không biết tên bác sĩ là gì, ở đâu...
Bên cạnh đó, công việc ở TTCC 115 còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, dễ bị tấn công. Đơn vị này không được từ chối bất cứ trường hợp cấp cứu nào, bao gồm cả người nghiện hút, nhiễm HIV hay các căn bệnh xã hội khác, nên nguy cơ bị phơi nhiễm rất cao. “Bình thường, một kíp cấp cứu có 3 người. Gọi là đến, nhưng không biết đó thuộc đối tượng nào. Có thể gặp ngay người ngáo đá, vừa thấy đội ngũ cấp cứu đến là vác hung khí ra quơ ngay. Chúng tôi thường xuyên bị tấn công”, một BS tại TTCC 115 chia sẻ.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện thì rất cần có sự đầu tư một cách đồng bộ, từ ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị, xe cứu thương đến đào tạo con người.
PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, ở các nước phát triển, hệ thống cấp cứu ngoại viện được sự đầu tư rất lớn từ ngân sách. Mỗi thành phố có hàng chục trạm cấp cứu, mỗi một trạm cấp cứu có đến 5 chiếc xe cứu thương. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu, trên xe sẽ có 2 người là chuyên viên paramedic (chuyên viên cấp cứu ngoại viện) và đầy đủ phương tiện chuyên dùng, với mục đích tiếp cận người bệnh sớm nhất, sơ cấp cứu tốt nhất cho bệnh nhân. Trong khi đó, cả TTCC 115 TPHCM hiện nay cũng chỉ có 6 xe cứu thương hoạt động thường xuyên, trên xe cứu thương vẫn còn quá ít các trang thiết bị phục vụ sơ cấp cứu tại hiện trường.
“Định hướng trong thời gian tới, TPHCM sẽ xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện quy mô và hiện đại hơn, trong đó huy động các BV tham gia vào việc vận chuyển, cấp cứu ngoại viện. Ngoài ra, do có nhiều kênh rạch nên TP có thể sẽ trang bị thêm các ca nô cấp cứu, vận chuyển cấp cứu bằng đường sông khi đường bộ tắc nghẽn”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.