Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0: Cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội” được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội sáng nay 1-3.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị, chính sách về dữ liệu, bao gồm quyền riêng tư về dữ liệu, quyền sở hữu và sử dụng dữ liệu, bảo mật dữ liệu, lưu trữ dữ liệu nhà nước trên Internet và đặc biệt là thể chế cho việc hình thành, kết nối, chia sẻ và thương mại hoá cơ sở dữ liệu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân… là yêu cầu cấp bách cần đặt ra.
Đề tài cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 được cơ quan nghiên cứu này kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua.
Tại hội thảo lần này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, tùy theo từng kịch bản mà Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ CMCN 4.0 để tăng từ 7 đến 16% GDP vào năm 2030 (tương đương 28,5 đến 62,1 tỷ USD). Tuy một số công việc sẽ mất đi, nhưng sẽ có mức tăng thuần từ 1,3 đến 3,1 triệu việc làm được tạo ra trong quá trình tăng trưởng sản xuất nhờ CMCN 4.0.
Giá trị tăng thêm của các ngành truyền thống cũng đã được nhóm nghiên cứu của CIEM dự báo lạc quan, với công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 7-14 tỷ USD; nông nghiệp truyền thống tăng 4,9 tỷ USD; tài chính 3,5 tỷ USD.
Đặc biệt, ngành thông tin và truyền thông được dự báo tăng 2,5 tỷ USD (tới 77%) so với trường hợp không thực hiện 4.0.
Một số ngành công nghiệp mới sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Theo đó, doanh thu dự báo của ngành thương mại điện tử vào năm 2030 ước khoảng 40 tỷ USD; trí tuệ nhân tạo (AI) 420 triệu USD; phân tích dữ liệu 730 triệu USD; điện toán đám mây 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ 2,2 tỷ USD; Fintech 1,5 tỷ USD; nông nghiệp thông minh 1,7 tỷ USD.
Đáng nói là không chỉ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, CMCN 4.0 còn giúp cho khu vực công tiết kiệm đáng kể chi phí (hành chính công tiết kiệm được khoảng 0,6 tỷ USD; cung cấp năng lượng tăng 4,2 tỷ USD; cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4 tỷ USD)…
Trên cơ sở phân tích hiện trạng, các nhà nghiên cứu CIEM tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị chính sách quan trọng, trong đó có việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế cho các ngành công nghiệp mới xuất hiện (ví dụ như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, các ngành công nghệ tài chính – ngân hàng số).
Đồng thời, nâng cao chất lượng pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ để khuyến khích nghiên cứu phát triển (R&D) , đổi mới sáng tạo.
Chính sách về dữ liệu, bao gồm quyền riêng tư về dữ liệu, quyền sở hữu và sử dụng dữ liệu, bảo mật dữ liệu, lưu trữ dữ liệu nhà nước trên Internet và đặc biệt là thể chế cho việc hình thành, kết nối, chia sẻ và thương mại hoá cơ sở dữ liệu của nhà nước, tổ chức, cá nhân… cũng là yêu cầu cấp bách cần đặt ra.