Bấp bênh vùng nguyên liêu
Năm nay do thời tiết diễn biến bất thường nên điều ra bông nhiều đợt kéo theo mùa thu hoạch cũng kéo dài so với mọi năm. Hiện các hộ trồng điều đang thu hoạch lai rai từ số điều ra bông trễ. Anh Lê Thành Kiên (46 tuổi, ngụ xã Bình Tân, huyện Phước Long) cho biết, gia đình có hơn 3ha điều đã thu hoạch gần 10 năm nay. So với năm trước, vụ điều năm nay lạc quan hơn vì giá điều cao ngất ngưởng ở đầu vụ và ổn định về cuối vụ.
Thế nhưng, anh Kiên vẫn không thể vui bởi thu nhập chẳng cao hơn so với vụ trước: “Với số diện tích hiện tại, mỗi hécta điều chỉ cho thu nhập chừng hơn 20 triệu đồng. Cuộc sống của người trồng điều vô cùng bấp bênh”.
Tương tự, anh Triệu Văn Bình (45 tuổi, ngụ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) có 5ha điều thu hoạch được 3 năm nhưng đã bán nửa diện tích để chuyển đổi cây trồng.
“Vài năm trở lại đây, thời tiết bất thường và sâu bệnh hoành hành phá hoại mùa màng nên cây điều cho thu nhập thấp. Hiện gia đình đã mua gần 2ha đất ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) để trồng thử nghiệm một số giống tiêu mới, hy vọng cho thu nhập khá và ổn định hơn cây điều”, anh Bình nói.
Phân loại hạt điều tại Công ty điều Phúc An
Tại Bù Đăng và Bù Gia Mập, 2 huyện có diện tích điều lớn nhất tỉnh Bình Phước thì có vẻ lạc quan hơn. Tuy nhiên, không phải hộ trồng điều nào cũng có thu. Trên cùng một khu vực, có nơi được mùa, có chỗ lại thất thu nặng. Vụ điều năm nay anh Điểu Keng (43 tuổi, ngụ xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) trừ chi phí, thu nhập gần 300 triệu đồng trên gần 5ha điều.
“Nhiều thế hệ trong gia đình sống nhờ nguồn thu từ cây điều nên sau mỗi vụ thu tôi tập trung dọn dẹp, đánh cành khô và đến thời kỳ ra hoa thì chú ý xịt thuốc nhiều đợt. Nhờ đó mà vườn điều sạch sâu bệnh và cho năng suất ổn định. Trong khi đó, nhiều vườn điều của láng giềng vẫn mất mùa và thất thu nặng”, anh Điểu Keng cho biết.
Theo anh Keng, vấn đề nằm ở kỹ thuật chăm sóc, trong đó thời tiết cũng là điều mà các nhà vườn cần hết sức chú ý để có phương án đối phó, bảo vệ cây trồng chủ lực của gia đình.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, do những cơn mưa trái mùa, sâu bệnh phá hoại nên năng suất vụ điều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2018, diện tích điều toàn tỉnh là 174.018ha, năng suất 1,1 tấn/ha cho sản lượng 191.419,8 tấn và tính hết tháng 4-2018, toàn tỉnh mới thu được 87.132 tấn, bằng 90% sản lượng cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, việc thâm canh áp dụng khoa học kỹ thuật của bà con nông dân còn hạn chế, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi các hộ đồng bào vẫn xem điều là cây giữ đất, ít chú trọng đầu tư nên nhiều hộ đã chặt điều chuyển sang trồng các loại cây khác.
Gỡ khó cho ngành điều
Hiện nay, tỉnh Bình Phước có khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều. Trong các cơ sở chế biến có ít doanh nghiệp lớn, chủ yếu là cơ sở kinh doanh hộ gia đình.
Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phúc An, cho hay: “Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng hiện vừa là đơn vị xuất khẩu, kiêm đơn vị nhập khẩu điều đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc định giá sản phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Mặc dù là “thủ phủ” điều của cả nước nhưng hàng năm sản lượng điều chỉ đáp ứng khoảng 25% công suất của các cơ sở chế biến trên địa bàn; còn lại 75% phải nhập khẩu nguyên liệu từ Campuchia và các nước Châu Phi theo dạng tạm nhập tái xuất. Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các tỉnh có diện tích trồng điều, cần có những chính sách và giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, đánh giá: “Các doanh nghiệp chủ yếu chế biến thô, chưa đầu tư vào chế biến sâu nên lợi nhuận chưa cao, cũng như trình độ tiếp cận khoa học công nghệ, trang thiết bị cho người lao động còn hạn chế”.
Để gỡ khó cho ngành điều Bình Phước, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trước hết phải có tổ hợp những giống thích ứng cho từng tiểu vùng hoặc có những phương thức canh tác cho phù hợp; phải hình thành chuỗi sản xuất khép kín mà khâu sản xuất cần liên kết chặt với khâu chế biến và tổ chức thương mại; muốn làm được vậy, doanh nghiệp phải liên kết với chính quyền, với bà con nông dân, với phương thức hình thành các hợp tác xã; liên kết để hình thành chuỗi sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ổn định thu mua, chế biến, tổ chức phát triển thị trường cả trong và ngoài nước và phải xem thị trường trong nước là tiềm năng.