Khủng hoảng về giá
Chưa bao giờ giá cả một số mặt hàng như cao su, hồ tiêu lại có chu kỳ giảm giá kéo dài và sâu như thời gian qua. Giá cao su sau khi liên tục tăng trong các năm từ 2007 - 2011, lúc cao nhất là 120 triệu đồng/tấn, sau đó giảm liên tục và rơi xuống đáy vào giữa năm 2016.
Tiếp đến là cây tiêu, sau khi chạm đỉnh gần 200.000 đồng/kg vào năm 2015, đã quay đầu giảm mạnh chỉ còn 80.000 đồng/kg. Không chỉ cây công nghiệp dài ngày, mà cây ăn quả như chuối, năm 2017 cũng đã trải qua đợt rớt giá mạnh và cả xã hội phải chung tay “giải cứu”.
Ngay cả với cây trồng chủ lực là cà phê, vốn mang đến sự giàu có cho hàng trăm ngàn hộ gia đình vào thời hoàng kim cách đây hơn 20 năm giờ, cũng không còn là ưu tiên số một của người dân trong vùng khi giá cà phê nhân có lúc chỉ 29.000 - 30.000 đồng/kg, năm 2016 đến nay giữ mức giá 44.000 - 45.000 đồng/kg, bằng với lúc cao nhất, nhưng chi phí sản xuất thì tăng liên tục gấp 2-3 lần làm cho lợi nhuận giảm sút. Nếu hạch toán đầy đủ, tính cả lãi vay ngân hàng, thì với năng suất bình quân gần 2 tấn/ha, xem như cây cà phê thua xa cây rau màu.
Chua chát nhất là giá heo. Từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017, heo liên tục rớt giá, chỉ còn chưa đầy 20.000 đồng/kg heo hơi, làm không ít người điêu đứng, nhất là những hộ mới tăng đàn hoặc mới đầu tư nuôi mới, phải vay ngân hàng mua đất, làm chuồng trại.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nguyên nhân của tình trạng trên chung quy là do mất cân đối cung cầu, do diện tích các loại cây trồng tăng trong một thời gian dài. Tại Đồng Nai, một trong những tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất cả nước, diện tích quy hoạch được Bộ NN-PTNT duyệt đến năm 2020 là 7.000ha, tỉnh đề nghị 9.000ha nhưng đến cuối năm 2016 diện tích tiêu đã vượt 5.000ha lên gần 14.000ha.
Tình hình cũng tương tự như ở Bình Phước, từ năm 2013 đến cuối năm 2016, trùng với quãng thời gian giá mủ cao su lao dốc, trong khi giá hạt tiêu liên tục ổn định ở mức cao, mang lại lợi nhuận rất lớn cho người trồng nên nông dân ồ ạt xuống giống. Đến cuối năm 1016, toàn tỉnh có hơn 14.400ha, vượt hơn 4.400ha so với quy hoạch đến năm 2020.
Ông Huỳnh Thành Vinh (Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai) cho biết: Tỉnh đang tổ chức lại sản xuất, hình thành các mối liên kết như các tổ hợp tác, các hợp tác xã gắn với nơi tiêu thụ - nhất là thị trường TPHCM, để có thể truy xuất nguồn gốc; khuyến cáo nông dân giảm mạnh đàn heo, nhất là chăn nuôi hộ nhỏ, lẻ. Tỉnh đã phê duyệt 13 dự án liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao như mô hình sản xuất ca cao ở huyện Định Quán, sầu riêng ở huyện Long Khánh…
Trước thực trạng trên, các tỉnh Đông Nam bộ đang triển khai tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng NNCNC, gắn với thị trường tiêu thụ nhằm giảm rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân. Một trong những biện pháp cấp bách là giảm phát triển nóng về diện tích cây trồng, nhất là các vườn tiêu, cao su kém năng suất sang cây trồng khác; giảm đàn gia súc, gia cầm; hình thành các chuỗi liên kết
Còn với Bình Phước, theo Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Văn Lộc: “Từ nay đến năm 2020, tỉnh định hướng chuyển dịch sang một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đạt 10% diện tích, tập trung trên một số cây trồng chủ lực như điều, tiêu và một số loại rau - củ - quả phục vụ nhân dân trong tỉnh và địa bàn lân cận, trong đó có TPHCM. Tỉnh ủy sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển NNCNC với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này”. Tỉnh đang phối hợp cùng Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương phát triển 2 khu NNCNC với diện tích hơn 700ha để có cơ sở xây dựng đề án.
Với Tây Ninh, ngoài việc khuyến cáo người dân giảm diện tích cao su tiểu điền, trong năm 2016, UBND tỉnh đã sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với những mục tiêu cụ thể như: Kêu gọi đầu tư phát triển NNCNC với tổng diện tích 800ha; phấn đấu có ít nhất 40% diện tích các loại nông sản là thực phẩm được sản xuất theo quy trình VietGap (hoặc GlobalGap, Organic), có thể truy xuất được nguồn gốc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp bình quân đạt 130 triệu đồng (tăng 43 triệu đồng so với năm 2015) vào năm 2020.