Cấp bách phòng cháy rừng

Nắng nóng kéo dài nên những cánh rừng tại các tỉnh Tây Nguyên đang trong tình trạng khô hanh, nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng cùng với chủ rừng đang huy động lực lượng, phương tiện túc trực ngày đêm để đề phòng “bà hỏa”..
Cấp bách phòng cháy rừng

Nắng nóng kéo dài nên những cánh rừng tại các tỉnh Tây Nguyên đang trong tình trạng khô hanh, nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng cùng với chủ rừng đang huy động lực lượng, phương tiện túc trực ngày đêm để đề phòng “bà hỏa”...

Có mặt tại khu rừng ở xã Chư Krei, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), chúng tôi ghi nhận nhiều mảng rừng có lá khô rụng chất đầy gốc. Cách bìa rừng không xa là nương rẫy và nhà của người dân nên nguy cơ khu vực rừng này bén lửa rất cao. Cùng với huyện Krông Chro, nhiều cánh rừng ở huyện Mang Yang, Chư Sê, Chư Pah của tỉnh Gia Lai cũng trong tình trạng khô hạn. Thống kê của ngành chức năng, hiện diện tích rừng có nguy cơ cháy khoảng 225.000ha, chiếm hơn 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh Gia Lai.

Tại Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, trời nắng như đổ lửa khiến nhiều cánh rừng khô khốc. Dọc quốc lộ 27 ngang qua các xã Đạ Rsal, Liêng S’Rônh, Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông), nhiều khu rừng có lớp thực bì cùng với cỏ khô nằm dày cộm, không được thu dọn. Nguy cơ cháy rừng cũng ở mức cao tại nhiều địa phương khác của Lâm Đồng như huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và TP Đà Lạt. Còn tại tỉnh Kon Tum cũng có trên 100.000ha rừng đặt trong tình trạng báo động.

Rừng thông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah (Gia Lai) có nguy cơ cháy rất cao (Ảnh: VÕ PHÚC)

Trước tình trạng “bà hỏa” đe dọa các khu rừng, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên đang gấp rút triển khai các phương án phòng cháy. Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết, lực lượng kiểm lâm được cắt cử phối hợp với chủ rừng thường xuyên tuần tra ở những khu vực nguy cơ xảy ra cháy cao. Tỉnh cũng phân bổ hơn 15 tỷ đồng để các đơn vị tập trung việc phòng cháy. Trong đó, có chi phí thu thập số liệu khí tượng, trực kiểm tra phòng cháy, sửa chữa phương tiện phòng cháy, làm mới chòi canh lửa, gắn biển báo cấm lửa, làm đường ranh cản lửa … Xác định lửa rừng đa phần do con người gây ra nên ngành chức năng tập trung kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Một số cánh rừng lớn như ở các vườn quốc gia, lực lượng kiểm lâm chốt tại cửa rừng, một số đơn vị cấp phát thẻ cho người ra vào rừng. Trong khi đó, ở mỗi địa phương, tùy theo đặc thù địa hình cũng như thực trạng và nhân lực mà có các biện pháp khác nhau. Nhiều địa phương đã tham gia ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn để khi xảy ra cháy có thể huy động lực lượng quân đội cùng tham gia dập lửa.

Các chủ rừng trên địa bàn cũng căng sức thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng như thu dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa và cắt cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để theo dõi.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka King, cho biết: “Ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi đã tiến hành khoanh vùng những khu vực nguy cơ xảy ra cháy cao, rồi bố trí lực lượng túc trực thường xuyên. Thay vì 1 - 2 tháng mới đốt thực bì, thì nay chỉ 2 tuần đã cho người thu dọn thực bì chứ không để tồn đọng kéo dài. Do xung quanh vườn có dân sinh sống, làm rẫy nên chúng tôi cũng kéo họ vào cùng phòng cháy. Khi tham gia, ngoài được trả tiền công, họ còn được hướng dẫn cách đốt thực bì không để lửa cháy lan, các biện pháp dập lửa… Nhờ thế, người dân ý thức được trách nhiệm nên khi đi làm rẫy rất thận trọng, không để phát sinh ngọn lửa và luôn trong tình trạng sẵn sàng dập lửa khi có cháy”.

VÕ PHÚC - ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục